Hơn 1.358 tỷ đồng được đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà xưởng phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (46 cơ sở công lập, 16 cơ sở ngoài công lập), với 09 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm GDNN-GDTX, 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 03 trường chất lượng cao, 16 trường được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm, với 16 lượt nghề cấp độ quốc tế, 09 lượt nghề cấp độ ASEAN, 36 lượt nghề cấp độ quốc gia. Quy mô tuyển sinh, cơ cấu, ngành nghề, trình độ đào tạo cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người học, thị trường sử dụng lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Hiện có 2.719 nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã huy động 45 nhà giáo là nghệ nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Công tác phân luồng, hướng nghiệp, giáo dục và đào tạo nghề cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ. Tỉnh đã tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh; hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động để tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề; tổ chức ký kết thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, địa phương trong đào tạo và giải quyết việc làm...

Trong giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh đã tổ chức 445 phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động; 293 hội chợ tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động; 126 lượt ký kết hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 83.000 người có nhu cầu học nghề các cấp trình độ, với gần 60 ngành nghề chủ yếu; trong đó, nhu cầu học trình độ cao đẳng gần 10%, trung cấp chiếm 15,5%, trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng chiếm 74,5% tổng nhu cầu học nghề toàn tỉnh.

lao-dong638011008622052895-1665537459.jpg
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn

Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm và bố trí lồng ghép từ các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xã hội hóa để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giai đoạn 2012 - 2022 đã hỗ trợ đầu tư 1.358,279 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp phòng học, nhà xưởng thực hành, thư viện, khu ký túc xá… và mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề. Trong đó, hỗ trợ đầu tư cho 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh với kinh phí 426,241 tỷ đồng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xã hội hóa và 07 dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc tỉnh với kinh phí 382,614 tỷ đồng.

Có 309.124 thanh niên nông thôn được đào tạo nghề

Trong 10 năm qua, có 309.124 thanh niên nông thôn được đào tạo nghề (92.791 lao động nữ). Trong đó, có 14.308 lao động thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo 11.655 người, khuyết tật 2.698 người, dân tộc thiểu số 30.662 người, đối tượng chính sách khác 75.338 người. Có 76,5% thanh niên nông thôn có việc làm sau học nghề. Điều đáng mừng là có 149.515 lao động nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp Trong đó, lao động thuộc hộ nghèo 7.082 người, hộ cận nghèo 6.733 người, khuyết tật 374 người, dân tộc thiểu số 15.275 người, đối tượng chính sách khác là 36.359 người. Tỷ lệ lao động nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có việc làm sau học nghề đạt 77,19%, trong đó, có 93,59% lao động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

Giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 687.477 lao động nông thôn (chiếm 76,18% tổng số người được đào tạo nghề của tỉnh), gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 34.422 người, trung cấp 67.047 người, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 586.008 người.

Chất lượng đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt khá, giỏi trong các trường cao đẳng, trung cấp tăng từ 19,6% năm 2011 lên 45% năm 2022 (tăng 25,4%). Tại các kỳ thi kỹ năng nghề cấp tỉnh, quốc gia, có nhiều em đạt giải cao được lựa chọn tham gia và đạt giải tại kỳ thi Kỹ năng nghề khu vực và thế giới, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia... Năm 2015, kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN đạt huy chương Bạc, Kỳ thi quốc tế đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề thế giới. Năm 2018, có 13/13 thí sinh đạt giải (01 giải nhất, 02 giải ba và 10 giải khuyến khích) Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia. Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp quốc gia năm 2020 có 03/03 dự án tham gia đạt giải; năm 2021 có 02/03 dự án tham gia đạt giải.

Giai đoạn 2011 – 2022, toàn tỉnh có 471.326 lao động nông thôn được giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động có việc làm sau tốt nghiệp đạt 75,94%. Điều này cho thấy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gắn kết hơn với doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng 8-10 triệu đồng/tháng, trung cấp đạt 6,5-9 triệu đồng/tháng; một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, du lịch có thu nhập từ 15-18 triệu đồng/tháng.

Lao động nông thôn sau học nghề đã nâng cao được kiến thức, kỹ năng tay nghề để áp dụng vào thực tiễn, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Một số lao động nông thôn sau khi học nghề đã thành lập được trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo thêm được nhiều việc làm cho lao động của địa phương. Một số mô hình đào tạo nghề hiệu quả, thu nhập cao như: Mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Ngô Văn Tứ (xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn) thu nhập 400 triệu đồng/năm; chăn nuôi trâu bò của gia đình bà Vi Thị Hà (xã Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn) thu nhập 300 triệu đồng/năm; trồng dưa lưới, dưa lê sạch chuẩn VIETGAP của gia đình bà Nguyễn Tứ Mỹ (xã Nghi Long, Nghi Lộc) thu nhập 300 triệu đồng/năm; chăn nuôi lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Vân (xã Châu Quang, Quỳ Hợp), thu nhập 400 triệu đồng/năm...

Hàng năm, tỉnh quan tâm phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước; các địa phương, đơn vị đã huy động, lồng ghép từ các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2012 - 2022, tổng nguồn lực thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh là 3.982,186 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã huy động, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác với kinh phí 205,739 tỷ đồng để hỗ trợ mua cây giống, con giống, vật tư sản xuất, máy móc, dụng cụ sản xuất; vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... cho 19.275 lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống sau học nghề.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, đòi hỏi việc đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng của thị trường lao động và gắn với mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, của tỉnh. Cần có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong tất cả các khâu tuyển sinh đào tạo, thực hành, thực tập, tuyển dụng học sinh, sinh viên vào làm việc. Triển khai đồng bộ từ các cấp, các ngành và sự vào cuộc có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả, giúp người lao động tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công, bền vững trên địa bàn toàn tỉnh./.