1-1649249051.jpg
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) gặp khó khăn do giá cả tăng cao theo giá xăng. Ảnh: Quỳnh Trang

Xe ôm, shipper gian nan, vất vả

Ông An (58 tuổi, trú tại xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đã có 20 năm  làm nghề xe ôm tại TP. Vinh cho biết: "Trước đây, khi giá xăng chưa tăng thì còn có thu nhập. Nhưng từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng liên tục nên thu nhập từ việc chạy xe ôm không còn được bao nhiêu nữa".  

2-1649249079.jpg
Người lái xe ôm dõi mắt về hướng chiếc xe buýt đang gần tới để đón khách. Ảnh Quỳnh Trang

Ông An cho biết thêm, trước đây, mỗi ngày thu nhập từ việc lái xe ôm đủ trang trải cuộc sống lúc nông nhàn, ông còn có thể ăn cơm bụi. Từ đầu năm đến nay, vợ ông phải dậy sớm nấu ăn bỏ vào cặp lồng để ông mang đi ăn trưa, nhằm đỡ chi phí.

Anh Nguyễn Văn Nam (29 tuổi, trú tại xã Nghi Lâm, Nghi Lộc, Nghệ An) làm nghề shipper, cho biết trước đây, một ngày làm việc giao hàng cho khách, anh có thể tiết kiệm được một khoản tiền nhất định. Thế nhưng, gần đây xăng tăng giá, còn giá vận chuyển hàng vẫn như cũ nên cuộc sống của anh rất khó khăn.

3-1649249107.jpg
Trước chỉ 50.000 đồng là đầy 1 bình xăng RON 95, chạy được cả ngày. Giờ mất đến 90.000 cho 1 bình xăng, nhưng chỉ là RON 92, chạy chưa hết ngày đã hết xăng. Ảnh: Quỳnh Trang

Anh Nam bộc bạch: “Không có thu nhập nên mỗi ngày tôi nhịn ăn trưa, chỉ ăn sáng với một ổ bánh mì. Buổi tối về nhà trọ ăn qua loa là xong một ngày để tiết kiệm chi phí”.

Không chỉ những người có công việc gắn trực tiếp với xăng dầu, mà những lao động tự do khác cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ hệ quả của việc giá xăng tăng. Trong đó phải nói đến các hộ kinh doanh, tiểu thương nhỏ lẻ, giá các mặt hàng cũng leo thang ảnh hưởng lớn đến thu nhập.

Kiệt quệ vì bão giá

Chị Tô Thị Hoài (39 tuổi) - chủ cửa hàng bán cơm bình dân tại phường Bến Thuỷ, TP Vinh - cũng thấy mệt mỏi khi nghĩ đến vật giá lên cao.

4-1649249137.jpg
Quán cơm bình dân của chị Hoài tại phường Bến Thuỷ TP Vinh có thể phải đóng cửa chờ giá cả ổn định rồi tính tiếp. Ảnh: Quỳnh Trang

Chị Hoài cho biết, các loại thực phẩm như thịt, cá rau củ quả đều tăng thêm 15%. Khi thắc mắc thì chị nhận được lời giải thích: Tại xăng tăng! Mà đâu chỉ mỗi giá thực phẩm tăng, giá gas cũng tăng vù vù theo giá xăng dầu. Hiện nay, giá mỗi bình gas 12kg đã tăng thêm 45.000 đồng/bình so với hồi tháng 2/2022.

5-1649249167.jpg
Theo nhiều tiểu thương, khả năng chi trả của người dân ngày càng giảm khiến việc buôn bán chỉ nằm mức cầm chừng. Ảnh: Quỳnh Trang

“Khách hàng của tôi chủ yếu là sinh viên và các lao động nghèo nên không thể bán cơm với giá cao như những thực khách khác. Vì thế mà giá mặt hàng tăng giá nhưng giá suất cơm không thể tăng. Một phần nữa là do giá cả tăng cao, thu nhập người dân thấp đi khiến nhiều người cũng mang cơm ở nhà đi ăn để tiết kiệm hơn. Có khi phải đóng cửa quán cơm, chờ giá cả ổn định rồi tính tiếp”, chị Hoài cho biết như vậy khi được hỏi về bài toàn cân bằng giá cả.

6-1649249199.jpg
Giá xăng dầu hiện chạm ngưỡng gần 30.000 đồng/lít. Ảnh: Quỳnh Trang

Tại trường Đại học Vinh, giá cả tăng cao theo giá xăng cũng đã có tác động vô cùng lớn đối với các sinh viên theo học tại đây. Hầu hết các sinh viên đều phụ thuộc vào sự chu cấp từ gia đình. Xăng tăng, kéo theo các chi phí sinh hoạt tăng nên hầu hết các sinh viên rất vất vả.

Những sinh viên thuê phòng trọ ở ngoài chọn giải pháp chung tiền đi chợ, tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí. Nhưng đối với sinh viên ở ký túc xã, không được nấu nước, đành phải chi ra 80.000 đồng cho hai bữa ăn một ngày. Đối với không ít sinh viên, số tiền này thực sự quá nhiều so với sự chu cấp của bố mẹ ở quê.

Tác động kép của COVID – 19 và giá xăng tăng khiến cho đời sống người dân khó chồng khó. Do đó, họ mong muốn có các biện pháp điều tiết của nhà nước để yên tâm làm ăn kinh doanh trong  bối cảnh cuộc sống bình thường mới./.