Xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có 4 xóm thuộc diện sáp nhập, đồng nghĩa với việc 2 nhà văn hóa xóm bị thừa không còn sử dụng…Để có công trình chào mừng 70 năm thành lập xã và đón xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lãnh đạo xã đã lên ý tưởng để xây dựng nhà truyền thống, lưu giữ những hiện vật, lưu truyền những nét văn hóa truyền thống của làng quê. Và ý tưởng đã được người dân đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Kế Vịnh và ông Nguyễn Đình Niên ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết:
"Tôi có mấy dụng cụ cũ làm nông thì đóng góp, truyền lại cho xã để làm khu trưng bày của xã."
"Ngay trong gia đình vẫn còn một số dụng cụ ngày xưa để lưu trữ lại cho con cháu sau này có một nhận thức về thế hệ trước đây, thì hiện tại gia đình tôi còn lại một số dụng cụ đưa lại cho xã để đưa vào phòng truyền thống xã Nghi Xá."
Những ngôi nhà văn hoá để không bấy lâu, với sự chung tay góp sức của người dân, cấp uỷ, chính quyền địa phương trở thành không gian truyền thống - nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào đối với thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống quê hương. Em Phạm Mai Oanh, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, từ những công cụ đơn sơ, mộc mạc của cha ông để lại, nhà cộng đồng đã giúp các thế sau này hiểu hơn về giá trị lao động cần cù của người nông dân trên quê hương mình. Mặc dù nhà cháu không có nhưng qua những đồ vật này thì cháu hiểu hơn về bà con ngày xưa rất khổ, lao động nhiều để có được miếng cơm, manh áo, cháu cảm thấy rất biết ơn.
Những hiện vật trong nhà “bảo tàng” nhỏ ở Nghi Xá đang ngày một nhiều thêm những hiện vật. Bằng sự quyên góp của người dân địa phương, đến nay, đã có hơn 50 hiện vật được phân thành nhiều nhóm như nhóm công cụ làm nông nghiệp gồm: cuốc, cày, bừa, vồ, cào, gàu tát nước...; nhóm công cụ gắn với sông nước gồm: nơm, đó, oi bắt cá...; nhóm công cụ sinh hoạt hàng ngày như cối xay lúa, giã gạo, xay bột… hay đồ làm việc của hợp tác xã thời bao cấp… Theo ông Võ Văn Đình, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, bên cạnh những vật dụng phong phú của người nông dân lao động còn có cả những vật dụng khi bắt đầu thời kỳ khoa học công nghệ như: Tivi, radio, điện thoại đời đầu…
"Sẽ làm một phòng truyền thống để là nơi lưu giữ, trưng bày các dụng cụ nhà nông trước đây, để kỳ vọng mong muốn sau này có những giờ học ngoại khóa cho học sinh, đưa các cháu đến đây giới thiệu cho các cháu về từng sản phẩm, dụng cụ sản xuất nông nghiệp để các cháu hiểu được quá trình lao động, sản xuất của ông cha ta trước đây" - ông Võ Văn Đình cho biết thêm.
Nghi Xá hôm nay đang từng ngày khởi sắc, trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, hơn 250 ha/ 600 ha đất tự nhiên ở vùng quê này đã chuyển thành khu công nghiệp. Nhưng với người dân nơi đây, không gian nhà truyền thống này sẽ mãi là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc sống của cha ông, nơi xuất phát từ cội nguồn của một vùng quê thuần nông.