Trong đó, nhiều sắc thuế có số thu lớn đã thu gần đạt kế hoạch năm và tăng từ 1,5 đến hai lần so cùng kỳ năm 2023.
Xấp xỉ kế hoạch năm
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tám tháng đầu năm 2024, thu ngân sách ở Nghệ An có nhiều khởi sắc, khi đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng (tròn số), đạt gần 95% kế hoạch năm và tăng hơn 40% so cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, thu ngân sách nội địa đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, bằng 96,6% kế hoạch năm và tăng 40,2% so cùng kỳ năm 2023; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn một nghìn tỷ đồng, bằng 78,2% kế hoạch và vượt 46,8% cùng kỳ năm 2023.
Nếu chỉ tính phần thu nội địa (không tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền xổ số) đạt hơn 8.156,5 tỷ đồng, bằng 81,8% kế hoạch năm và tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá, những tháng đầu năm 2024, kinh tế Nghệ An có nhiều khởi sắc, nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu… đều tăng cao nên đã góp phần tăng thu cho ngân sách.
Đáng chú ý, có chín sắc thuế thu đạt và vượt cao hơn cùng kỳ năm 2023; trong đó một số sắc thuế có số thu lớn đạt cao. Chẳng hạn như khoản thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh đạt hơn 4.346,7 tỷ đồng, bằng 80,3% kế hoạch và tăng 24,3% so cùng kỳ năm 2023; thuế thu nhập cá nhân được gần 760 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch, tăng 20,1%; lệ phí trước bạ với hơn 628,7 tỷ đồng, đạt 78,6% kế hoạch và tăng 8,1%,…
Ngoài ra, các sắc thuế khác cũng đạt con số khá cao so cùng kỳ như thu từ doanh nghiệp FDI, thu khác ngân sách, thu từ doanh nghiệp Trung ương…
Nhiều chi cục thuế nỗ lực tìm các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu thuế nên đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu cả năm.
Tiêu biểu như Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ An 2, tám tháng đầu năm đã thu ước đạt hơn 1.030 tỷ đồng, bằng 120% dự toán pháp lệnh, bằng 91,2% dự toán Hội đồng nhân dân giao, bằng 89% dự toán phấn đấu và tăng 52,8% so cùng kỳ năm 2023.
Chi cục Thuế thành phố Vinh cũng gia tăng số thu so với cùng kỳ và kế hoạch giao. Bảy tháng đầu năm, chi cục Thuế thành phố Vinh đã thu đạt 3.524 tỷ đồng, bằng 137% dự toán và tăng 11% so cùng kỳ 2023. Đây là chi cục có số thu lớn nhất tỉnh và chiếm gần ¼ tổng số thu của cả ngành thuế Nghệ An.
Lý giải những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Cục thuế Nghệ An cho biết: Ngay từ đầu năm, Cục Thuế và các chi cục thuế đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện ban hành Chỉ thị về tăng cường thu ngân sách nhà nước năm 2024; xây dựng kế hoạch tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Cùng với công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế dưới nhiều hình thức. Ngành thuế đã tổ chức 20 cuộc tập huấn và đối thoại với hơn 4.000 lượt người nộp thuế tham dự.
Công tác quản lý kê khai, kế toán thuế thông qua việc đôn đốc doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế theo tháng đã được tăng cường. Các đơn vị đã thường xuyên gửi thư nhắc nộp hồ sơ khai thuế. Tỷ lệ hồ sơ khai thuế đã nộp trên số hồ sơ phải nộp đạt 98%; tỷ lệ hồ sơ khai thuế nộp đúng hạn trên số hồ sơ đã nộp đạt 98%...
Bên cạnh đó, theo Phó Chi cục Thuế Bắc Nghệ An 2 Đinh Viết Dũng: Thông qua hệ thống dịch vụ công quốc gia, đã tạo tiện ích thuận lợi cho người nộp thuế, khi họ không cần đến cơ quan thuế nhưng vẫn thực hiện việc kê khai thuế, hoàn thuế, mở tờ khai lệ phí trước bạ. Đồng thời, thông qua ứng dụng “Theo dõi và quản lý rủi ro người nộp thuế”, cơ quan thuế đã quản lý tốt rủi ro về thuế…
Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, trong đó, triển khai nội dung hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho một số ngành hàng liên quan được Cục Thuế triển khai quyết liệt. Đến nay đã hoàn thành 100% kế hoạch về thực hiện quy định hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu; đã có gần 750 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Cục Thuế đẩy mạnh triển khai nộp thuế qua ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (Etax Mobile). Sáu tháng đầu năm 2024 có 59.656 tài khoản đăng ký. Tổng số tiền nộp thuế thành công qua eTax Mobile đạt 89,7 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành thuế Nghệ An cũng triển khai quyết liệt công tác quản lý nợ thuế, tập trung đôn đốc thu hồi nợ đọng. Đã ra thông báo, nhắc nhở qua điện thoại, tin nhắn 123.803 lượt; ban hành 668.738 lượt Thông báo nợ và tiền chậm nộp; ban hành 12.130 lượt quyết định cưỡng chế; thực hiện công khai 10.464 lượt người nộp thuế có số thuế nợ lớn, quá 90 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sáu tháng đầu năm 2024, ngành thuế đã hoàn thành 451 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, số tiền thuế truy thu, truy hoàn, xử phạt, tiền chậm nộp qua thanh tra là 80,9 tỷ đồng, giảm lỗ 1.355 tỷ đồng, giảm khấu trừ 15,6 tỷ đồng, số thuế không được hoàn qua kiểm tra là 24,2 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai các nội dung chống thất thu về thương mại điện tử, kinh doanh vàng, kinh doanh trên nền tảng số, hoạt động cho thuê nhà, lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh vận tải, kinh doanh nông sản nhập khẩu; Rà soát các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án lớn để kịp thời đôn đốc, giám sát việc kê khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài, thuế vãng lai ngoại tỉnh…
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và quản lý hóa đơn điện tử bằng ứng dụng “Theo dõi và quản lý rủi ro người nộp thuế”.
Phấn đấu thu hơn 21 nghìn tỷ đồng
Nhìn lại bức tranh thu ngân sách Nhà nước từ năm 2021 đến nay, chúng ta thấy một tín hiệu mừng, đó là nguồn thu thuế nội địa ở Nghệ An chiếm tỷ trọng lớn, năm sau cao hơn năm trước và từ năm 2022 trở đi đã vượt con số hơn 20 nghìn tỷ đồng/năm.
Chẳng hạn, năm 2021, thu ngân sách đạt 19.911 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 18.825 tỷ đồng, bằng 143% dự toán giao và tăng 12% so với cùng kỳ. Năm 2022, thu ngân sách đạt 22.491 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 21.159 tỷ đồng, bằng 150% dự toán giao và tăng 13% so với cùng kỳ. Năm 2023, thu ngân sách đạt 21.508 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 20.064 tỷ đồng, bằng 135,6% dự toán giao. Tám tháng đầu năm 2024, Nghệ An đã thu thuế nội địa được hơn 14.000 tỷ đồng.
Đây là kết quả phản ánh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp dân doanh trên địa bàn.
Còn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu từ năm 2021 đến nay giao động từ 1.277 đến 1.652 tỷ đồng/năm. Và năm 2024, nếu không có gì đột biến thì cũng nằm trong khoản thu như các năm trước.
Tuy nhiên, theo phân tích, cơ cấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Nghệ An trong mấy năm qua thấy chưa thật sự bền vững, trong đó thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn, chiếm khoảng từ 31-41% nguồn thu; thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa có xu hướng tăng, nằm trong khoảng từ 36 đến 38% tổng thu ngân sách. Thu ngân sách nhà nước tám tháng đầu năm 2024 cũng rơi vào tình trạng trên, khi thu từ tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 39% tổng thu ngân sách và bằng 210,7% so cùng kỳ năm 2023.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An cho biết, Nghệ An phấn đấu đến hết năm 2024, thu đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn, khi 4 tháng cuối năm phải thu được ít nhất 6.000 tỷ đồng, tương ứng 1.500 tỷ đồng/tháng. Trên cơ sở kết quả đạt được của 8 tháng đầu năm, đòi hỏi ngành thuế phải tiếp tục triển khai quyết liệt "thu đúng, thu đủ, thu kịp thời" các khoản thu theo quy định vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, triển khai các giải pháp chống thất thu có hiệu quả; xử lý các doanh nghiệp, người nộp thuế có dấu hiệu chây ì nộp thuế hay vi phạm pháp luật thuế. Ngành thuế tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cải cách thủ tục hành chính trong thu nộp ngân sách.
Điều quan trọng nữa, Nghệ An tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về thu hút đầu tư các dự án trọng điểm vào tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được khởi công, để sớm đi vào hoạt động hiệu quả cũng như xúc tiến các công việc liên quan đến triển khai dự án...