Trước việc chi phí đầu vào tăng cao, chị Nguyễn Thị Hoài, chủ quán ăn tại phường Trường Thi (TP.Vinh) buộc phải thông báo với thực khách về việc tăng giá món ăn từ ngày 12/3.
Chị Hương cho biết: "Trung bình mỗi tô bún, phở bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng tùy bát lớn hay vừa, tuy nhiên sau khi tính toán kỹ, chúng tôi buộc phải nâng giá thêm 5.000 đồng/tô vì nếu giữ mức giá cũ sẽ gần như không có lãi...".
Theo lý giải của chị Hương, hiện nay, giá xăng dầu đã lên cao, các loại thực phẩm tại chợ đều tăng giá khiến chi phí đầu vào tăng cao. Bên cạnh giá xăng dầu thì giá gas cũng đã lên đến gần 500.000 đồng/bình đối với loại 12kg, tăng gần 50.000 đồng/bình so với đầu năm, nếu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống không tăng giá món ăn thì sẽ không có tiền để chi trả các khoản khác như điện nước, mặt bằng, nhân viên...
Theo khảo sát của P.V, một số cửa hàng ăn uống trên địa bàn TP. Vinh đều đã tăng giá thành các món ăn kể từ thời điểm giá xăng dầu lập đỉnh chiều 11/3. Mặc dù vậy, nhiều thực khách cũng chấp nhận vấn đề này vì thực tế mức tăng không quá cao, đồng thời cũng là cách để chia sẻ cùng các hộ kinh doanh trong mùa dịch.
Đối với vận tải hành khách, việc giá xăng dầu lên đến gần 30.000 đồng/lít đã đặt ra thách thức không hề nhỏ, khiến các doanh nghiệp phải tính toán các phương án để thích nghi, trong đó phương án tăng giá cước được xem là khả dĩ nhất.
Ông Hồ Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An cho biết: "Hiện chúng tôi đã làm hồ sơ trình các sở ngành, hiệp hội vận tải để tăng giá cước dịch vụ. Theo đó, đối với dòng xe Taxi 7 chỗ sẽ tăng thêm 1.000 đồng/km, đối với dòng taxi 5 chỗ sẽ tăng thêm 800 đồng/km. Dự kiến sang tuần sau sẽ áp dụng đồng loạt cho các dòng xe. Giá cước sẽ được niêm yết cụ thể để hành khách được biết ".
Theo ông Hiếu, việc tăng giá cước là điều không thể tránh khỏi, khi giá xăng dầu đã tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, mức tăng này hiện cũng đã được đơn vị cân nhắc, tính toán kỹ để hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ nếu tăng quá cao cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đối với xe khách đường dài, hiện giá vé đi các tuyến cũng được các nhà xe thông báo tăng giá, đặc biệt là những tuyến có quãng đường di chuyển xa như Nghệ An - TP. HCM, Nghệ An - Bình Dương, Nghệ An - Hải Phòng... mức giá từ 50.000 - 100.000 đồng/vé.
Các dịch vụ khác như shipper, xe ôm... trên địa bàn TP.Vinh hiện cũng phải tăng giá cước để thích ứng với việc xăng dầu tăng cao.
Anh Nguyễn Văn Hoàn, shipper tự do trên địa bàn TP.Vinh cho biết: "Giá xăng tăng cao nên giá cước cũng phải tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/đơn, tùy vào khoảng cách. Bên cạnh đó, nếu như ngày trước tôi thường ship hàng theo từng đơn lẻ thì nay buộc phải gom đơn đi một lượt để định hình quãng đường đi, sao cho ngắn nhất để tiết kiệm nhiên liệu, chứ giá xăng thế này không kham nổi..."
Có thể thấy, việc giá xăng dầu tăng cao đã bắt đầu ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, cơ sở cũng như đời sống của người dân. Hiện nhiều người buộc phải thắt chặt chi tiêu để cân đối thu nhập, một số người thay vì di chuyển bằng xe máy, ô tô đã chuyển sang đi các dòng xe điện. Việc giá gas cũng leo cao khiến nhiều hộ gia đình, quán ăn chuyển sang dùng bếp từ, bếp điện để tiết kiệm chi phí...