UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh chung.
Trước đó, để xây dựng đề án này, ngành giáo dục cũng đã tiến hành thống kê, dự báo tình hình gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học.

Theo đó, dự kiến, trong năm năm tới, Nghệ An sẽ tăng khoảng 92.000 học sinh và đến năm 2030 tăng trên 122.000 học sinh. Số lượng lớp học của sẽ tăng 2228 (2025) và 3980 lớp (2030). Do số lượng học sinh tăng nhanh nên Nghệ An sẽ cần thêm 9812 giáo viên (2025) và 13.307 giáo viên (2030).

bna-image-5994754-2232022-1647999956.jpeg
Giáo viên Trường mầm non Nghi Hải - thị xã Cửa Lò thảo luận về chuyên môn. Ảnh: MH

Qua đánh giá hiện nay, đội ngũ giáo viên của Nghệ An dù trình độ đào tạo trên chuẩn khá cao nhưng có những khó khăn riêng. Đó là còn thiếu so với nhu cầu, (năm học 2020 - 2021: cấp mầm non thiếu 4605 giáo viên, cấp tiểu học 2523 giáo viên). Chưa có giáo viên được đào tạo chuyên môn để đảm bảo dạy tất cả các mạch kiến thức các môn học và hoạt động giáo dục mới theo Chương trình GDPT 2018 (môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học Tự nhiên ở THCS, Hoạt động trải nghiệm). Ngoài ra, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý, tình trạng thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn cấp học THCS. Xu hướng thiếu nhiều giáo viên ở các môn học theo Chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018 như: môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân, đặc biệt là khó khăn trong việc bố trí giáo viên để dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới theo chương trình GDPT 2018.

Để từ thực tế này, để chuẩn bị cho giai đoạn tới, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu nâng chuẩn giáo viên, thực hiện Chương trình GDPT 2018 và Chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020. Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo đại học văn bằng 2 cho giáo viên để dạy các môn thiếu có chuyên môn gần, phù hợp năng lực giáo viên: (chủ yếu giáo viên môn Ngữ văn và Toán cấp THCS, giáo viên GDQP-AN mới có chứng chỉ 6 tháng của cấp THPT) đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, nhằm mục tiêu đảm bảo số lượng, đảm bảo cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Nghệ An cũng dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng giáo viên thiếu và bù giáo viên nghỉ hưu đến 2030: 13.307 người, trong đó bổ sung giáo viên thiếu 9.523 người, bù giáo viên nghỉ hưu 3.674 người.

bna-image-4173239-2232022-1647999993.jpeg
Việc đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc tế sẽ được chú trọng trong những năm học tới. Ảnh: MH

Nghệ An cũng dự kiến sẽ đào tạo 1.000 sinh viên (đặt hàng đào tạo giáo viên các môn khó tuyển (Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) cho các địa phương miền núi khó tuyển dụng). Trong đó, từ năm 2021 đến năm 2025: 500 sinh viên và từ năm 2025 đến năm 2030: 500 sinh viên.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với Báo Nghệ An, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc UBND tỉnh phê duyệt đề Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng và là căn cứ đề ngành đề xuất các giải pháp và triển khai các nội dung trong giai đoạn tới.

Riêng về việc đào tạo theo đơn đặt hàng sinh viên ngành sư phạm là một điều cần thiết và sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Tuy nhiên, đề đề án triển khai hiệu quả thì ngoài cơ chế, tỉnh cần bổ sung đủ biên chế cho ngành giáo dục, trên có sở đó mới có thể thực hiện được việc đặt hàng sinh viên./.