1-1647510647.jpg
Nhiều giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 vốn từ bậc THCS hoặc tiểu học chuyển xuống.

Trong khi đó, địa phương chưa có cơ chế để chi trả lương và các quyền lợi khác.

Tạm nghỉ không lương khi Nghị định hết hiệu lực

Kể từ tháng 1, tám giáo viên hợp đồng của Trường Mầm non Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An đang tạm thời dừng được trả lương. Lý do các cô thuộc diện giáo viên hợp đồng theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV và Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ (nay gọi chung là Nghị định 06). Những giáo viên thuộc diện hợp đồng này được hưởng chế độ tương đương như viên chức, bao gồm lương từ ngân sách, được tăng lương theo thời hạn, đóng bảo hiểm xã hội... Nhưng hết tháng 12/2021, các Thông tư, Nghị định trên đã hết hiệu lực.

Cô Đặng Thị Trang có trình độ đại học và được tuyển dụng hợp đồng vào Trường Mầm non Hà Huy Tập từ năm 2016. Trong 5 năm qua, dù là giáo viên trẻ nhưng cô được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao về năng lực chuyên môn, tận tâm với trẻ. Cô cũng chia sẻ nguyện vọng của mình là được tuyển dụng chính thức vào biên chế để yên tâm làm việc, phấn đấu, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do thời gian qua chưa có chỉ tiêu, nên cô Trang vẫn tiếp tục chờ đợi.

Từ đầu năm, Nghị định 06 hết hiệu lực khiến cô giáo trẻ rơi vào cảnh khó khăn vì phải tạm nghỉ không lương chờ hướng dẫn mới. Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Hương lại lo lắng về vấn đề BHXH và BHYT bị cắt vì cô đang mang thai, chỉ còn ít tháng nữa sẽ sinh con. “Nhà trường cũng động viên tôi và các giáo viên hợp đồng khác tự đóng BHXH để được duy trì liên tục, sau này nếu có ngân sách sẽ xử lý cấp bù. Trước mắt, tôi làm theo hướng dẫn như vậy để được đảm bảo quyền lợi thai sản”, cô Hương chia sẻ.

Theo cô Hoàng Thị Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Huy Tập, từ tháng 1 nhà trường đã bị cắt ngân sách chi trả lương cho các giáo viên này. Khó khăn hơn là do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đầu năm học đến nay, trường chưa được đón trẻ trở lại, nên không có nguồn thu để chi trả lương tạm thời cho giáo viên hợp đồng. Vì vậy, nhà trường đã họp thống nhất tạm thời cho các cô hợp đồng tạm nghỉ không lương. Đồng thời, động viên các cô tự đóng BHXH trong giai đoạn khó khăn trước mắt.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Huy Tập cũng cho hay, thực tế các giáo viên hợp đồng thuộc diện 09 và 06 đều được đào tạo bài bản, có trình độ năng lực và nhiệt huyết với nghề. Nếu được tuyển dụng vào biên chế không chỉ giúp giáo viên yên tâm công tác, mà còn rất thuận lợi cho nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

2-1647510671.jpg
Ban Giám hiệu Trường Mầm non Nhân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An họp để thông tin và ổn định tâm lý cho giáo viên hợp đồng.

Vất vả giữ nghề

Những năm qua, nhiều địa phương của Nghệ An như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu... thực hiện chuyển giáo viên hợp đồng THCS và Tiểu học sang mầm non để giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ. Những giáo viên này sau khi học bổ sung văn bằng, chứng chỉ hợp lệ, được tuyển dụng vào các trường mầm non theo diện 06 hoặc 09. Giải pháp này phần nào cũng bù đắp thiệt thòi cho giáo viên hợp đồng lâu năm.

Trường Mầm non Nhân Thành (Yên Thành) hiện có 8 giáo viên hợp đồng, trong đó 7 người được điều chuyển từ THCS hoặc tiểu học. Cô Nguyễn Thị Sửu vốn là giáo viên dạy Lịch sử Trường THCS Nhân Thành. Sau nhiều năm hợp đồng với mức lương cơ bản mà không có chỉ tiêu tuyển dụng, cô quyết định học thêm bằng trung cấp mầm non.

Năm 2016, cô chuyển sang công tác tại Trường MN Long Thành theo diện hợp đồng 09. Tại đây, cô nỗ lực thích ứng với môi trường mới, phấn đấu trong chuyên môn và tiếp tục học nâng chuẩn bằng cấp. Hệ số lương hiện tại của cô là 3,26 với khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trước việc Nghị định 06 hết hiệu lực, một lần nữa cô lại gặp khó để giữ nghề, dù nắm trong tay nhiều bằng cấp, chứng chỉ và kinh nghiệm giảng dạy lâu năm.

Tương tự, cô Dương Thị Tuân Xuân cũng vốn là giáo viên ở bậc THCS chuyển sang Trường Mầm non Long Thành (huyện Yên Thành) năm 2015 theo diện 09. Đến nay, cô đã dạy hợp đồng hơn 20 năm, thâm niên nhất của trường. Nguyện vọng của cô Xuân là gắn bó lâu dài với bậc mầm non và đã gần hoàn thành văn bằng 2 đại học.

Cô Nguyễn Thị Duyên – Hiệu trưởng chia sẻ: “Trường tôi có số giáo viên hợp đồng nhiều nhất huyện Yên Thành với 12 người. Nhưng các cô rất nỗ lực trong nhiệm vụ chuyên môn, có cô còn đạt danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh. Việc các Nghị định hết lực ảnh hưởng lớn, xáo trộn tâm lý giáo. Nhất là những cô chuyển từ bậc học khác sang mầm non, vì đã bỏ thời gian, kinh phí học rất nhiều bằng cấp mà vẫn chưa có cơ hội vào biên chế. Mong muốn của giáo viên và cũng như nhà trường là có chỉ tiêu để tuyển dụng các cô vào viên chức. Vì trường vẫn đang thiếu giáo viên, mới chỉ đạt 1,7 cô/lớp kể cả số hợp đồng, trong khi có tới 2 điểm trường”.

Qua rà soát, huyện Yên Thành hiện có 194 giáo viên hợp đồng diện 09 và 46 giáo viên hợp đồng diện 06. Trong đó có 68 giáo viên vốn dạy hợp đồng ở THCS hoặc Tiểu học chuyển sang mầm non. Để giữ nghề, và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn phù hợp, họ phải bỏ kinh phí ra học thêm các loại bằng cấp, chứng chỉ. Nhưng hiện Nghị định 06 hết hiệu lực, số giáo viên này lại một lần nữa rơi vào cảnh khó khăn, dang dở.

Ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho hay: Mỗi đợt được giao định biên, huyện ưu tiên tuyển dụng các giáo viên hợp đồng lâu năm. Năm 2021, trong đợt xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2015, huyện cũng đã giải quyết được một số lao động vào biên chế. Với gần 200 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06, trước mắt huyện sử dụng ngân sách chi thường xuyên hoặc hướng dẫn các trường trích nguồn thu học phí để trả lương. Tuy nhiên, về lâu dài cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, và có ngân sách hỗ trợ. Bởi với số giáo viên hợp đồng diện Nghị định 06 trên, mỗi năm phải chi đến 20 tỷ đồng tiền lương và các chế độ khác.

3-1647510705.jpg
Việc tuyển dụng lao động hợp đồng diện 09, 06 nhiều năm qua đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non của Nghệ An.

Mong sớm có cơ chế bảo đảm quyền lợi giáo viên

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển dụng 2.508 giáo viên mầm non theo Thông tư liên tịch số 09 và Nghị định 06. Số giáo viên này được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và được ngân sách Trung ương cấp kinh phí ổn định, hưởng chế độ chính sách như viên chức như: Được nâng lương, đóng BHXH, tham gia thi giáo viên giỏi các cấp. Tuy nhiên, không được tham gia xét, thi thăng hạng.

Việc tuyển dụng này đã giúp Nghệ An giải quyết được bài toán thiếu giáo viên mầm non diễn ra trong một thời gian dài. Đặc biệt góp phần cho bậc học đủ giáo viên thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, 4 tuổi. Trong thời gian trên, các địa phương cũng ưu tiên, từng bước tuyển dụng số giáo viên hợp đồng trên vào biên chế ở vị trí chuyên môn phù hợp khi được giao chỉ tiêu. Kết quả đến nay, Nghệ An còn khoảng 1.700 giáo viên thuộc diện hợp đồng theo Nghị định 06.

Khi Nghị định 06 chuẩn bị hết hiệu lực, từ tháng 3/2021, Sở GD&ĐT Nghệ An đã rà soát giáo viên mầm non và có công văn gửi UBND tỉnh về giải pháp bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ GD&ĐT với nội dung đề nghị Bộ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cho ý kiến tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa có vản bản thay thế Nghị định 06 nên hiện Nghệ An vẫn đang phải chờ văn bản hướng dẫn để có thể tiếp tục chỉ đạo. Trong khi đó, việc tạm dừng chi trả lương và các chế độ không chỉ khiến giáo viên khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, giáo dục trẻ của các nhà trường. Theo tính toán, với 1.700 giáo viên hợp đồng, số tiền dự kiến chi trả lương hàng năm là khoảng 156 tỷ đồng.

Để giải quyết vấn đề quyền lợi trước mắt cho giáo viên, mới đây, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản Hướng dẫn tạm thời về việc chi trả tiền lương và chế độ cho giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06. Theo đó, việc hỗ trợ ngân sách cho các trường mầm non để chi trả lương và các chế độ cho giáo viên hợp đồng theo NĐ 06 chỉ được thực hiện khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết.

Trong thời gian chờ đợi, các địa phương căn cứ quy định hiện có để ra soát, đánh giá thực trạng số giáo viên trên địa bàn và số hợp đồng lao động theo quy định. Trên cơ sở đó, xác định số GV mầm non hợp đồng trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt hưởng lương từ ngân sách. Nếu còn thiếu so với chỉ tiêu được giao thì sử dụng nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục năm 2022 đã được giao để chi trả. Số GV hợp đồng còn lại (ngoài số chỉ tiêu được giao hưởng lương ngân sách) thì các huyện, thành, thị chỉ đạo trường mầm non ưu tiên sử dụng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để chi trả.

Trước đó, Nghệ An cũng nhiều lần đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Chính phủ bổ sung 7.843 chỉ tiêu các cấp học, trong đó có hơn 5.000 chỉ tiêu cho bậc mầm non. Khi được giao chỉ tiêu, tỉnh sẽ ưu tiên tuyển dụng số lao động hợp đồng đã công tác nhiều năm trong ngành./.