Điều này đã khiến không ít startup – doanh nghiệp khởi nghiệp với số vốn ban đầu nhỏ khó có “đất sống” vì liên tục bị các doanh nghiệp “cá mập” lấn sân, khó có thể phát triển để tăng doanh thu, mở rộng phát triển quy mô.
Cửa đã mở nhưng…đường đi hẹp
Tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP ban hành 26/06/2014 quy định về nội dung “ưu đãi đối với đấu thầu trong nước” như sau: “Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu”.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 cũng nêu rõ: Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Cũng tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
“Doanh nghiệp chúng tôi mới thành lập được vài năm trở lại đây mục đích để hướng tới tiếp cận các gọi thầu nhỏ trên lĩnh vực xây lắp từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Vì biết quy định của Nhà nước ưu tiên cho doanh nghiệp siêu nhỏ như chúng tôi được tiếp cận các gói thầu xây lắp dưới 5 tỷ đồng nên mới mạnh dạn rủ bạn bè hùn vốn khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động mới thấy khó có đất sống ở những gói thầu giá trị nhỏ như vậy. Đà này có khi phải tuyên bố giải thể doanh nghiệp” – đại diện một doanh nghiệp siêu nhỏ ở Nghệ An chia sẻ với phóng viên.
Đây cũng là thực trạng mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước gặp phải khi tham gia dự thầu các gói thầu xây lắp với nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng. Bởi họ cho rằng, vì “thân phận” gắn với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên khi tiếp cận với các gói thầu ở mức dự toán như vậy thường phải là những đơn vị đã “quen mặt” với bên mời thầu, chủ đầu tư…
“Người làm không hết, kẻ lần chẳng ra”
Đáng quan tâm, việc Chính phủ quy định điều kiện như trên sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu quy mô nhỏ, siêu nhỏ tham gia các gói thầu xây lắp (gói thầu quy mô nhỏ) để có thể trưởng thành, các nhà thầu lớn sẽ không được tham gia những gói thầu này. Qua đó, câu chuyện “người làm không hết, kẻ lần chẳng ra” trong các doanh nghiệp xây lắp sẽ được hạn chế, tạo công bằng cũng như điều kiện để các startup có thể phát triển, tăng doanh thu…
Tuy nhiên, thực tế đã có không ít startup – doanh nghiệp khởi nghiệp với số vốn ban đầu nhỏ khó có “đất sống” vì liên tục bị các doanh nghiệp “cá mập” liên tục lấn sân, khó có thể phát triển để tăng doanh thu, mở rộng phát triển quy mô.
Ngay tại địa bàn Nghệ An, số lượng các gói thầu “siêu nhỏ” có mức dự toán nguồn vốn đầu tư dưới 5 tỷ đồng cũng thường xuyên thuộc về doanh nghiệp quy mô vừa với tổng doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” cũng xảy ra không ít trường hợp các gói xây lắp, mua sắm với nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng ở nhiều địa phương trong suốt thời gian qua.
Đơn cử, ở các gói thầu xây lắp gần đây trên địa bàn huyện Diễn Châu, với các gói thầu dưới 5 tỷ đồng đã được một số doanh nghiệp vừa và khá “quen mặt” trên địa bàn trong đó có Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Sơn.
Đây là doanh nghiệp được đăng ký thành lập từ năm 1997 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp phép, địa chỉ trụ sở tại khối 3, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu. Trong những năm gần đây, Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Sơn cũng tham dự với tư cách trúng các gói thầu có nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng trong lĩnh vực xây lắp, xây dựng…
Mới đây, vào tháng 7/2021, doanh nghiệp này đã tham gia và được công nhận kết quả trúng gói thầu dự án “Sửa chữa, nâng cấp Nhà học 2 tầng 16 phòng Trường Tiểu học xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu” với mức bỏ giá 3.534.205.768,3658 đồng. Gói thầu do Công ty CP Đầu tư xây dựng CIVICO có địa chỉ tại P Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An mời thầu, UBND xã Diễn Thành làm chủ đầu tư.
Cùng một đơn vị mời thầu và chủ đầu tư, vào đầu tháng 11/2021, Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Sơn cũng có mặt trong kết quả mở thầu gói thầu xây dựng dự án “Nhà học 2 tầng 4 phòng Trường THCS Diễn Thành” với mức dự toán nguồn vốn 2.091.293.000 đồng.
Tình trạng các “ông lớn” trong ngành xây lắp “bao sân” cả những gói thầu trị giá dưới 5 tỷ để trúng thầu, thi công trong thời gian qua không ít. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang phải chật vật với những gói thầu “vừa sức” của mình, khó có thể hình thành và phát triển cả về quy mô lẫn số lượng./.