Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, trên địa bàn Nghệ An lại xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu). Đây là dịch cúm gia cầm A/ H5N6 điểm thứ 5 trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn gà mắc bệnh cúm gia cầm H5N6 tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An)
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, mẫu xét nghiệm gia cầm tại xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) dương tính với dịch cúm gia cầm H5N6. Điều đáng nói, xã Quỳnh Ngọc có vị trí tiếp giáp với xã Quỳnh Bá - nơi xảy ra ổ dịch trước đó, nên nguy cơ lây lan dịch rất cao. Trước đó, tại gia đình bà Trần Thị Khuyên, xóm Thuận Yên, xã Quỳnh Ngọc, đàn gia cầm có biểu hiện lờ đờ, thở khò khè, da tím tái... Cơ quan Thú y huyện Quỳnh Lưu đã vào cuộc, lấy mẫu bệnh phẩm, đồng thời khoanh vùng, tiêm phòng vắc-xin, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc trong vùng dịch...
Ông Trần Vinh Trà, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc cho biết: Ngay khi có kết quả dương tính với dịch cúm gia cầm H5N6 chúng tôi đã thành lập tổ để tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh, đồng thời tiêu độc, khử trùng vùng dịch và khu vực lân cận. Điều lo lắng hiện nay là toàn xã có gần 7.000 con gia cầm các loại, tuy nhiên, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ (chỉ có 4 gia trại) nên khó kiểm soát sự lây lan của dịch.
Đến thời điểm hiện tại, cả 5 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên địa bàn tỉnh đều xuất hiện tại huyện Quỳnh Lưu, bao gồm: Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc.
Ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Cúm A/H5N6 đáng lo ngại vì có một số biến chủng có thể lây sang người. Tại Nghệ An, trong năm 2019, dịch xảy ra tại 2 huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu, phải tiêu hủy 6.765 con gia cầm. Năm nay, từ ngày 5.2 đến 20.2, dịch xảy ra tại 5 xã của huyện Quỳnh Lưu, toàn bộ số gia cầm của các hộ có dịch đã được tiêu hủy.
Ông Minh cho biết thêm: Cúm gia cầm A/H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm. Việt Nam có tổng đàn gia cầm lớn với 467 triệu con, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan. Ngoài ra, hiện tại dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện tại tỉnh Hồ Nam và cúm A/H5N6 tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Đây là điều rất đáng lo ngại vì trong đó có một số biến chủng lây sang người, gây tử vong cao. Đặc biệt, năm nay là năm nhuận hai tháng 4, nên dự báo thời tiết mưa phùn, ẩm ướt sẽ kéo dài, tạo thuận lợi cho virus phát triển, lây lan mạnh. Tại Trung Quốc, năm 2018 đã từng ghi nhận có trường hợp người thiệt mạng bị nhiễm cúm A/H5N6 và trước khi bị nhiễm bệnh người này đã giết mổ gia cầm. Thời điểm đó, Cục Quản lý bệnh Đài Loan đã nêu rõ, tuy việc truyền virus CGC H5N6 ở người rất hiếm, nhưng chính vì hiếm nên khả năng miễn dịch của cơ thể người đối với H5N6 là rất thấp, thậm chí không có khả năng miễn dịch. Vì vậy, nếu virus CGC có khả năng thích nghi hoặc có được một số gen nhất định từ virus đối với người thì có thể dễ dàng truyền từ người sang người, khi đó một đại dịch cúm sẽ xảy ra và mức độ nghiêm trọng của bệnh ở người sẽ rất cao.
Nhằm đối phó với dịch cúm gia cầm A/ H5N6, tỉnh Nghệ An đã cấp 2 triệu liều vắc-xin cho 9 địa phương tổ chức tiêm phòng gồm: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, thị xã Hoàng Mai và TP Vinh; cung ứng 10 nghìn lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng. Được biết, số lượng 2 triệu liều vắc-xin đã cung ứng chủ yếu dùng tiêm trên đàn gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ. Đối với các trại gia cầm, thủy cầm từ 2.000 con trở lên, chủ trang trại phải chủ động tiêm phòng.
Theo khuyến cáo của cơ quan Thú y tỉnh Nghệ An, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân không được chủ quan, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng dịch như: không buôn bán, vận chuyển gia cầm trong vùng dịch ra vào địa bàn; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và dùng vôi bột rải xung quanh khu vực chăn nuôi để ngăn chặn dịch bùng phát. Các địa phương tăng cường kiểm soát các cơ sở ấp nở giống trên địa bàn, đảm bảo cung cấp con giống có nguồn gốc khoẻ mạnh. Người chăn nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương để đảm bảo đủ điều kiện chăn nuôi và dễ kiểm soát dịch bệnh. Chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, trong đó biện pháp cực kỳ quan trọng là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, riêng vắc xin CGC là loại vắc xin bắt buộc. Việc giết mổ gia cầm phải được thực hiện ở các cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, dịch tễ.