Các nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ
Sáng ngày 27/3, đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn dẫn đầu đã có buổi làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về tiến độ triển khai Dự án thành phần đầu tư xây dựng công trình đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài 49,3km đi qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thời gian hoàn thành sau khi doanh nghiệp dự án ký hợp đồng các gói thầu xây lắp là 22/5/2024.
Công tác GPMB được thực hiện từ tháng 6/2019. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng chỉ mới nhận mặt bằng được 46,3/49,30km (đạt 93,92%).
Khối lượng mặt bằng còn lại đang vướng mắc chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất qua các khu dân cư, công trình hạ tầng kỹ thuật, ngôi mộ…
Cụ thể vướng rừng phòng hộ đoạn Km438+840 – Km443+=520; 7 khu dân cư qua địa phận huyện Hưng Nguyên tổng chiều dài khoảng 1,3km; 65 vị trí đường điện thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An;128 ngôi mộ…
Đến nay, doanh nghiệp dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung cao độ triển khai sớm hệ thống đường công vụ nối tuyến. Hiện tại, toàn tuyến đã thi công được 25,5km đường công vụ nội tuyến.
Ngoài ra, các nhà thầu đã xây dựng cơ bản xong hệ thống lán trại công trường, huy động nhân sự ban điều hành hiện trường và các phòng thí nghiệm hiện trường, các điều kiện cần thiết để triển khai thi công đồng loạt.
Các nhà thầu cũng đã huy động 57 mũi thi công tại hiện trường, với 224 thiết bị. Giá trị sản lượng hoàn thành đạt 181,11 tỷ đồng tương đương 92,3% so với kế hoạch đến tháng 3/2022 theo tiến độ thực hiện đã đăng ký với Bộ GTVT.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng cho biết: Tiếp thu ý kiến góp ý của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn và đoàn công tác tại buổi làm việc trước, doanh nghiệp dự án đã kiện toàn lại bộ máy cũng như hoàn thiện các quy chế hoạt động.
Trong thời gian tới, các nhà thầu sẽ bổ sung thêm 20 mũi thi công với nhiều thiết bị, công nhân… đảm bảo tiến độ đã ký kết.
Ngoài ra, doanh nghiệp dự án mong muốn Bộ GTVT làm việc với UBND tỉnh Nghệ An để đẩy nhanh hơn nữa công tác GPMB những vị trí còn lại, đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ phía Bắc và phía Nam hầm Thần Vũ; xử lý vướng mắc liên quan đến hồ sơ thiết kế kỹ thuật (điều chỉnh, bổ sung chỉ dẫn kỹ thuật; điều chỉnh vật liệu đắp nền đường từ vật liệu đắp đất sang vật liệu đắp đá và điều chỉnh thiết kế cửa hầm phía Nam hầm Thần Vũ); quan tâm, đồng hành để có phương án tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong vấn đề biến động giá vật liệu, nhiên liệu…
Tại buổi làm việc, doanh nghiệp dự án và đại diện nhà đầu tư, đơn vị thi công: Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty CP Tập đoàn Cienco 4, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thái Yên cam kết sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy; huy động thêm trang thiết bị, nhân lực; tổ chức công trường khoa học, bài bản… để hoàn thành dự án đúng tiến độ đã ký kết.
"Đếm ngược thời gian, xây dựng lại đường găng tiến độ"
Trao đổi với đoàn công tác, ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) cho biết: Dự án thực hiện theo hình thức BOT nên tính chủ động của doanh nghiệp dự án là rất lớn, trái ngược hoàn toàn với dự án đầu tư công.
Trong quá trình triển khai cũng có cơ chế áp dụng luật pháp khác, ví dụ như không cần đấu thầu mà tự lựa chọn nhà thầu; thưởng phạt hợp đồng hoàn toàn do nhà đầu tư ký kết với nhà thầu…
Hiện nay, công tác GPMB đã được hơn 90% khối lượng, về nhà dân thì đã nhận tiền đền bù, xây dựng tái định cư, chỉ là chưa phá nhà cửa bàn giao mặt bằng… Để bàn giao được mặt bằng thì chúng ta phải có kế hoạch làm việc cụ thể, chi tiết với địa phương. Với nhà dân, cần thiết thì huy động máy móc, thiết bị để phá dỡ nhà cửa, công trình giúp họ.
Về tiến độ thi công, ông Hải nói: Doanh nghiệp dự án báo cáo hiện đang có 57 mũi thi công và sắp tới bổ sung thêm 20 mũi nữa. Thế nhưng, mũi thi công phải đúng chuẩn là mũi thi công, đừng huy động một ít máy móc, công nhân ra quay video để báo cáo.
“Muốn đẩy nhanh tiến độ thi công, trước mắt và cũng là tiên quyết, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu phải đẩy nhanh hoàn thiện đường công vụ.
Hiện nay, Nhà nước tăng cường quản lý tải trọng xe là điều đương nhiên. Bao nhiêu công trình cầu, đường đã đưa vào hoạt động, nếu không tăng cường quản lý thì lập tức bị phát nát.
Quản lý tải trọng là điều đương nhiên và đúng của Nhà nước và cơ quan chức năng… Vì vậy, chỉ có con đường duy nhất là chạy dọc tuyến - đó là đường công vụ”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải: Về tiến độ dự án, không phải cứ hô hào trên miệng xong là đường nó tự hoàn thành. Các nhà đầu tư, đơn vị thi công cứ nói làm xong, vậy số liệu ở đâu, cụ thể như thế nào.
Mọi thứ không hề dễ dàng, ví dụ điển hình nhất là hầm Trường Vinh (đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu). Hầm dài 450m và do nhà thầu được đánh giá là “ông trùm” làm hầm của Việt Nam là Tập đoàn Đèo Cả và Sơn Hải với thái độ làm việc hết sức nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Thế nhưng, đến 30/4 này mới thông được ống hầm bên Trái tuyến, và sau đó phải mất 7 – 8 tháng nữa mới hoàn thiện xong.
Nếu tính toán với tốc độ thi công như trên thì hầm Thần Vũ phải mất 37 tháng và cộng thêm 6 tháng hoàn thiện. Như vậy thì đến tháng 6/2026 mới xong, chậm hẳn 2 năm. Về tiền, doanh nghiệp phải mất 700 tỷ, chưa kể các điều kiện bất lợi khác…
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp dự án trong việc kiện toàn bộ máy và tổ chức thi công có thay đổi hơn so với buổi làm việc cách đây 2 tuần. Tuy nhiên, Thứ trưởng đánh giá tiến độ hiện tại vẫn còn chậm, báo cáo của doanh nghiệp dự án vẫn còn sơ sài, chung chung…
Thứ trưởng yêu cầu, doanh nghiệp dự án ngồi lại với Ban QLDA6 đếm ngược thời gian để cùng xác định mốc đường găng tiến độ.
Đặc biệt là phải chốt được thời gian hoàn thành đường công vụ, hầm Thần Vũ, cầu Hưng Đức và các đoạn xử lý chống lún. Ban QLDA 6 hỗ trợ doanh nghiệp dự án kiện toàn thêm bộ máy để tăng cường hiệu quả công tác quản lý và xác định mô hình quản trị hiệu quả nhất…
“Nếu nói về thời gian thì còn 2 năm nữa nhưng chúng ta phải xác định đây là quãng thời gian quyết định đến tiến độ của dự án. Chỉ còn ít tháng nữa là bắt đầu vào mùa mưa, nếu không chủ động quyết liệt thì sẽ không hoàn thành kịp tiến độ”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Về vấn đề GPMB và điều chỉnh kỹ thuật, Thứ trưởng giao Ban QLDA 6 phối hợp với doanh nghiệp dự án làm việc với xã, huyện về các vấn đề tái định cư; quá trình tháo dỡ nhà cửa có cần nhà thầu giúp đỡ hay không… Nếu xã, huyện không giải quyết được thì Bộ sẽ làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh.
Thứ trưởng cũng chia sẻ với các nhà đầu tư, đơn vị thi công khi giá vật liệu, nhiên liệu có nhiều biến động mạnh. Đối với vật liệu đắp nền, Thứ trưởng yêu cầu phải đảm bảo đúng tinh thần chất lượng tốt nhất, tiết kiệm, có lợi cho Nhà nước.
Còn về thay đổi kỹ thuật cửa phía Nam hầm Thần Vũ, Thứ trưởng giao Ban QLDA 6 làm việc với doanh nghiệp dự án và đơn vị tư vấn thiết kế cũ để thống nhất phương án tối ưu trước khi báo cáo Bộ./.