Hiệu quả sử dụng vốn thua xa đối thủ cùng ngành
Công ty Sách Nghệ An là một trong những đơn vị có ảnh hưởng lớn tới thị trường sách và thiết bị trường học miền Bắc và miền Trung, bao gồm 9 cơ sở hoạt hoạt động trong lĩnh vực cung ứng các sản phẩm về giáo dục.
Theo thời gian, công ty ghi nhận doanh thu tăng mạnh đã chinh phục thành công cột mốc trăm tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận lại rất khiêm tốn, từ đó tiền thuế TNDN mà Công ty Sách Nghệ An đóng góp cho ngân hàng Nhà nước là vô cùng khiêm tốn, chưa tới nửa tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, năm 2022, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sách Nghệ An đạt 191 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng, tương đương 45,8% so với năm 2021.
Doanh thu tại Sách Nghệ An có xu hướng tăng đều đặn khi trước đó, chỉ tiêu này lần lượt là 84,8 tỷ đồng (năm 2017), 93 tỷ đồng (năm 2018), 103 tỷ đồng (năm 2019), 92,3 tỷ đồng (năm 2020), 131 tỷ đồng (năm 2021).
Dù doanh thu cao nhưng lợi nhuận công ty lại vô cùng khiêm tốn.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế chỉ là 3,8 tỷ đồng. Vì vậy, chi phí thuế TNDN mà công ty phải nộp chỉ là 410 triệu đồng, rất thấp so với quy mô doanh thu 191 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản 149 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ là 3,4 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu tại Công ty Sách Nghệ An là rất thấp. Tỷ suất này năm 2022 cao nhất, cũng chỉ đạt 8,1%, thấp hơn nhiều so với mức “đỉnh” lãi suất năm 2022 do 1 ngân hàng thiết lập là hơn 13%/năm.
Trước đó, tỷ suất này lần lượt là 8,9% (năm 2017), 8,9% (năm 2018), 9,3% (năm 2019), 8,9% (năm 2020) và 7,5% (năm 2021).
Trong khi đó, hiệu quả sử dụng vốn của các đơn vị cùng ngành cao hơn rất nhiều so với Công ty Sách Nghệ An.
Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu năm 2022 của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng (BED) là 18,8%, của Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị Bình Thuận (BST) là 14,1%, của Công ty Cổ phần Phát hành sách TP Hồ Chí Minh (FHS) là 20,9%.
Đóng thuế bèo bọt
Có thể thấy, xét về tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2022, Sách Nghệ An kém xa BED, BST và FHS. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chi phí thuế TNDN phải nộp của Công ty Sách Nghệ An bèo bọt hơn rất nhiều so với các đối thủ này.
Cụ thể, trong năm 2022, với vốn chủ sở hữu 42 tỷ đồng, chi phí thuế TNDN hiện hành của Công ty Sách Nghệ An chỉ là 410 triệu đồng. Điều đó có nghĩa cứ 1 đồng vốn, công ty nộp thuế 0,01 đồng thuế TNDN.
Trong khi đó, tại BED, BST và FHS, các con số này lần lượt là 39 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng (1 đồng vốn sinh ra 0,04 đồng thuế TNDN); 14,9 tỷ đồng và 541 triệu đồng (1 đồng vốn sinh ra 0,04 đồng), 175 tỷ đồng và 9,6 tỷ đồng (1 đồng vốn sinh ra 0,05 đồng).
Không những đóng thuế bèo bọt, Công ty Sách Nghệ An còn nợ thuế. Tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của công ty này là 151 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn nợ người lao động với số tiền 973 triệu đồng.
Công ty của ông Trần Xuân Toàn
Công ty Sách Nghệ An thành lập ngày 10/12/2004, là một trong những doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ngoài nhiệm vụ chủ yếu là cung ứng sách và thiết bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo công ty còn mạnh dạn đưa ra những định hướng phát triển khác như: Bổ sung các mặt hàng cung ứng cho các cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông đến chuyên nghiệp về sách tham khảo, văn phòng phẩm, đồng phục, trang thiết bị nội thất nhà trường, thiết bị công nghệ thông tin, thí nghiệm, thực hành…
Ngày 12/8/2010, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Nghệ An chính thức trở thành đơn vị thành viên.
Tới ngày 15/2/2017, vốn điều lệ công ty tăng lên 16,98 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Trần Xuân Toàn (sở hữu 36,714% vốn), bà Võ Thị Hiền (sở hữu 2,618% vốn), bà Mai Thị Bích Thủy (sở hữu 1,866%). Ông Lê Duy Hòa thoái toàn bộ vốn.
Tới ngày 25/3/2022, vốn điều lệ công ty tăng lên 36,98 tỷ đồng.
Trong nhiều năm liền, ông Trần Xuân Toàn nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty.