1555297355-121221-1646979031-1649509904-1649568407.jpg
Đền Làng Vạc (Phường Long Sơn, TX Thái Hòa, Nghệ An)

Đây là hoạt động hàng năm của thị xã Thái Hòa nhằm bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. 

Trước đó, năm 2010 thị xã Thái Hòa tổ chức lễ đặt tượng Vua Hùng, tượng được đúc tại làng nghề ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Sau khi làm lễ yết cáo tại Đền Hùng (Phú Thọ), tượng đồng Vua Hùng được rước về đền thờ Làng Vạc.

Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc là trung tâm văn hóa Đông Sơn ở vùng bán sơn địa thuộc thị xã Thái Hòa (Nghệ An). Đến nay, Làng Vạc là một trong hai khu di tích Đông Sơn tiêu biểu, có khối hiện vật phong phú về loại hình. Đây là di tích phát hiện được nhiều mộ táng nhất của nền văn hóa Đông Sơn trên đất nước ta (gồm 300 ngôi mộ được phát hiện qua 5 lần thám sát, khai quật).

Làng Vạc trở thành tên gọi của một trung tâm văn hóa Đông Sơn lớn trên lưu vực sông cả với hơn 1.200 hiện vật phong phú, đa dạng bằng đồng, gốm, đá, thủy tinh, sắt như trống đồng, rìu xéo, dao găm cán tượng người…

Đánh giá của các chuyên gia khảo cổ, Làng Vạc có thể sánh ngang với những di tích văn hóa Đông Sơn nổi tiếng ở lưu vực sông Hồng như Vinh Quang, Làng Cả...

Di sản Làng Vạc cách ngày nay 2.500 - 2.000 năm. Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia ngày 13/9/1999.

Di tích Làng Vạc được xác định gồm hai khu cư trú (Làng Vạc), mộ táng (xóm Đình), phân bố ở phía Đông và Tây của thung lũng Khe Vạc. Khu cư trú nằm ở phía Tây của thung lũng Khe Vạc, còn khu mộ táng ở rìa phía Đông. Ngôi mộ được đặt trên đồi, trên rìa thấp cạnh các ruộng lúa ngày nay. Làng Vạc là phức hợp di tích mộ táng cư trú trong thời gian vài trăm năm.

Tại Làng Vạc, các nhà khai quật còn nhận diện được một lớp văn hóa Sơn Vi từ lớp dưới ở khu vực khai quật phía Đông năm 1990. Thung lũng Làng Vạc có một số địa điểm khác chứa đồ đá Sơn Vi. Như vậy, sự có mặt của cư dân văn hóa Sơn Vi giai đoạn hậu kỳ đá cũ ở đây là điều không thể bàn cãi.

Việc tổ chức lễ dâng hương tại đền thờ Làng Vạc thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời nhằm nâng cao vị thế tầm vóc của một địa danh tâm linh, một di chỉ khảo cổ học./.