Sau nhiều năm thi công, các công trình mới chưa kịp hoàn thành thì những công trình đang thi công dở đã xuống cấp. Trong khi người dân rất cần nước sạch để sử dụng thì những công trình cấp nước lại phơi nắng, phơi mưa nhiều năm liền.
Được biết, mỗi công trình cấp nước sinh hoạt nói trên được đầu tư với mức trung bình từ 20 đến 30 tỷ đồng. Theo kế hoạch phê duyệt, những công trình này được hoàn thành trong năm 2015, nhưng kết thúc năm 2015 không có công trình nào hoàn thành. Từ đó đến nay, sau nhiều năm chuyển tiếp dự án, đến tháng 11-2021 mới có 9 công trình hoàn thành, đi vào sử dụng và vẫn còn 6 công trình dở dang.
Chúng tôi đến một số công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Diễn Quảng (huyện Diễn Châu), xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu), xã Phúc Thành (huyện Yên Thành) được thi công cách đây 8, 9 năm. Những công trình này đã được xây dựng cơ bản, chỉ còn thiếu cơ sở vật chất như dây chuyền công nghệ xử lý nước sạch, mạng đường ống cấp nước, hóa chất...
Tại công trình cấp nước sạch xã Diễn Quảng do UBND xã Diễn Quảng làm chủ đầu tư nhưng do thiếu vốn nên đã bỏ hoang hơn 8 năm nay. Nhiều hạng mục của công trình đã hoàn thành như nhà điều hành, hồ chứa nước, các công trình phụ trợ đang dần xuống cấp. Do thi công dở dang, không có người trông coi và hàng rào bảo vệ nên đã xảy ra vụ việc đáng tiếc khi trẻ em vào hồ nước công trình tắm bị đuối nước.
Có một nghịch lý là trong khi nhu cầu về nước sạch của người dân vô cùng cấp thiết thì các công trình cấp nước sạch được đầu tư hàng chục tỷ đồng lại bỏ hoang. Ông Trần Đức Cương (xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu) cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi và các hộ trong xóm rất cần nguồn nước sạch để sinh hoạt cũng như phát triển sản xuất mô hình bún làng nghề. Nhiều năm trước, chúng tôi đã đóng góp tiền theo yêu cầu của UBND xã để xây dựng công trình, nhưng sau đó không biết vì lý do gì không thi công được nên UBND xã đã trả lại. Từ đó đến nay cũng không thấy nhắc gì đến việc xây dựng nhà máy nước nữa”.
Huyện Yên Thành là địa phương vùng chiêm trũng, đa phần địa bàn nguồn nước nhiễm phèn, không bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch. Theo Chương trình MTQG về nước sạch và VSMTNT, huyện Yên Thành được phê duyệt 7 công trình cấp nước sinh hoạt. Tại thời điểm kết thúc chương trình MTQG về nước sạch và VSMTNT (năm 2015) chưa có công trình nào hoàn thành. Sau nhiều năm chuyển tiếp dự án, đến nay mới chỉ 3 công trình cấp nước tại xã Phú Thành, Đô Thành, Liên Thành hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình cấp nước liên xã Long Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, Trung Thành; Minh Thành, Tây Thành, Phúc Thành vẫn dở dang gần 10 năm nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều địa phương như xã Tây Thành, Minh Thành, Phúc Thành của huyện Yên Thành chưa có nhà máy nước sạch nên các hộ dân phải dùng nước giếng khoan. Do nguồn nước bị nhiễm phèn nên máy bơm sử dụng được một thời gian rất ngắn đã hỏng. Các hộ dân phải xây bể dự trữ nước mưa, tìm cách lọc nước từ cát, sỏi... để sử dụng. Gia đình nào có điều kiện thì đi mua nước lọc để dùng. Nguồn nước không đủ đáp ứng và không bảo đảm khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: “Dự án nhà máy nước sạch được triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn dở dang vì thiếu vốn thì giao cho địa phương. Hiện chúng tôi đang kêu gọi một số nhà thầu nhưng đang gặp khó khăn do chuyển giao các hạng mục đã thi công trước đây để lại”.
Trao đổi với chúng tôi về hàng loạt công trình cấp nước sạch chưa hoàn thành, ông Nguyễn Xuân Linh, Trưởng phòng Kỹ thuật Quản lý cấp nước, Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong 15 công trình nước sạch của dự án MTQG về nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2011-2015 đang có 6 công trình chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính là do Trung ương đột ngột cắt vốn; mặt khác, nguồn vốn huy động từ nhân dân còn hạn chế, trong khi đó ngân sách của tỉnh đang rất khó khăn. Chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh hằng năm tập trung bố trí để hoàn thành dứt điểm từng dự án, không bố trí dàn trải tại nhiều dự án”.
Có thể thấy, các công trình cấp nước sạch khi nghiên cứu khảo sát tính ở quy mô từng xã, nhỏ lẻ. Vì thế phê duyệt đến 15 công trình nhưng đầu tư dàn trải nên khi nguồn vốn bị cắt giảm, việc huy động nội lực cũng như nguồn xã hội hóa gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề, tỉnh Nghệ An cần huy động nguồn lực, giải quyết bài toán về vốn, xem xét bố trí tiếp ngân sách hỗ trợ theo cơ chế đối với các dự án cấp nước đã được cấp tỷ lệ lớn, linh hoạt xây dựng các nhà máy nước liên xã, liên huyện giải quyết dứt điểm từng công trình thay vì đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ để sớm hoàn thành các công trình dở dang, giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân và tránh lãng phí tài sản Nhà nước./.