Gần 1.000 hộ dân ở xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai, Nghệ An) hơn 10 năm qua sống mòn mỏi, khổ sở vì dự án nhiệt điện động thổ xong rồi... mất hút.
 
Cả dân và chính quyền đều khổ
 
Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập được quy hoạch từ năm 2009 với quy mô 290 ha nằm ở 3 xóm ven biển của xã Quỳnh Lập để xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, gần 1.000 hộ dân của 3 xóm này bị cấm xây mới, cơi nới nhà cửa, tách thửa đất để chờ di dời đến khu tái định cư. Hơn 5 năm chờ đợi, tháng 10.2015, Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam làm lễ động thổ xây dựng dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Những tưởng dự án đã khởi động, người dân sẽ được di dời, thế nhưng 5 năm sau lễ động thổ, dự án này hiện vẫn chỉ nằm trên giấy. Tấm bảng công bố quy hoạch nhà máy đặt ở đầu xóm Tân Minh đến nay đã bị thời gian xé rách nát, chỉ còn trơ bộ khung thép.
 
Ông Hoàng Văn Đồng, xóm trưởng xóm Tân Minh, cho biết dự án “treo” hơn 10 năm nay khiến 302 hộ dân của xóm như bị trói tay, trói chân. Nhà cửa hư hỏng muốn xây mới, cơi nới cũng không được. Nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ phải sống chung trong những căn nhà chật chội, muốn tách thửa cho con để xây nhà ra riêng cũng không được phép. Một số gia đình quá bức bách về chỗ ở nên “liều mình” xây lại nhà dù bị nghiêm cấm. Năm 2016, gia đình bà Nguyễn Thị Thử (xóm Tân Minh) phải xây lại ngôi nhà mới để ở vì căn nhà cũ 2 gian quá nhỏ và đã xuống cấp. “Chúng tôi biết xây là sai, nhưng không xây, nhà cũ sắp sập rồi biết ở đâu”, bà Thử nói và cho biết đã bị chính quyền đình chỉ nhiều lần khi xây dựng.
 
Xóm Đồng Minh kề bên cũng cùng cảnh ngộ. Ông Mai Văn Khư, Bí thư Chi bộ xóm, nói dự án nhiệt điện than ở đây khiến 350 hộ dân trong xóm “không cựa quậy” được. “Chúng tôi chỉ biết phải di dời, nhưng khi nào di dời thì hơn 10 năm rồi cũng chỉ nghe thông báo chứ không biết chính xác đến lúc nào thì đi. Nhà cửa bị cấm cơi nới, xây mới, đất không được tách thửa khiến người dân rất khổ sở”, ông Khư nói. Ông Trần Đình Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, cho biết không chỉ người dân khổ sở vì dự án nhiệt điện “treo” mà chính quyền xã cũng rất vất vả trong việc quản lý xây dựng ở vùng quy hoạch này.
 
Người lớn khổ sở, trẻ em cũng vạ lây vì dự án “treo” quá lâu. Trường tiểu học Quỳnh Lập B là dãy nhà cấp 4 đã cũ kỹ, xuống cấp, nhưng vẫn phải gánh vác trọng trách vì không được xây mới. Tường rào phía trước được xây từ rất lâu đã mục nát, xiêu vẹo, nhà trường phải gắn biển cảnh báo đến gần. Phòng học bị thiếu nên học sinh phải học 2 ca từ nhiều năm nay.

Năm 2019, không thể chờ đợi được nữa nên xã Quỳnh Lập phải xây thêm 4 phòng học, nhưng vẫn đang thiếu 14 phòng. Trường mầm non cũng tương tự. Không được quy hoạch để xây mới vì phải di dời nên trường phải mượn nhà văn hóa của các xóm làm phòng học. Năm 2019, sau khi xin ý kiến của tỉnh, xã Quỳnh Lập dựng tạm trường mầm non cơ sở 2, gồm 5 phòng học tại xóm Đồng Minh bằng vật liệu tôn, thép.

 
Đề nghị dừng dự án
 
Tại cuộc họp thường kỳ cuối tháng 11 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất đề nghị Thủ tướng và Bộ Công thương dừng thực hiện Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập và đưa dự án này ra khỏi dự thảo Quy hoạch điện 8. Mục tiêu dừng dự án này, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, là do Nghệ An muốn ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện môi trường để phát triển TX.Hoàng Mai thành đô thị biển, gắn với công nghiệp sạch và du lịch, dịch vụ, thương mại.
 
Ông Trần Đình Ánh cho biết lâu nay, chính quyền và người dân địa phương cũng lo ngại công nghệ nhiệt điện than sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống. Tuy nhiên, dự án đã được phê duyệt nên phải thực hiện. Nếu được Chính phủ chấp nhận bỏ quy hoạch, chính quyền xã và người dân 3 xóm nằm trong vùng quy hoạch nhiệt điện sẽ rất vui vì như được “cởi trói”. “Sau khi biết chủ trương của tỉnh đề nghị dừng dự án nhiệt điện, người dân 3 xóm này rất mừng. Dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt trên biển và nuôi trồng thủy sản, họ không muốn di dời vì nếu phải di dời sẽ rất khó khăn về kế sinh nhai cho họ”, ông Ánh nói./.