p-1645706889.jpg
Các hộ nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành mong muốn được trồng mía vì hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Ảnh: Quang Đại

Dân bức xúc vì bị ép trồng chè

Ngày 24.2, hàng chục hộ dân tập trung tại nhà văn hóa xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phản ánh với phóng viên về những bất cập, bức xúc trong quá trình quản lý canh tác tại đây.

“Chúng tôi là các hộ dân nhận khoán đất do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành quản lý. Mấy năm gần đây các cây trồng chủ lực như cao su, cam…không hiệu quả nên chuyển đổi sang cây trồng khác. Nhưng khi bà con trồng mía thì Công ty lập biên bản đình chỉ, buộc phải trồng chè nếu không sẽ thu hồi đất” – ông Hà Ngọc Trường, xóm Minh Hồ nói.

“Nhà tôi có một ha đất trồng cao su, không hiệu quả nên phá đi, trồng đậu. Công ty yêu cầu gia đình phải trồng chè, tôi nói đất trũng không trồng được, nhưng họ không chịu” – bà Nguyễn Thị Hải (65 tuổi, xóm Minh Hồ) cho biết.

Rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Minh Hợp đang nhận khoán đất canh tác do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành quản lý cũng ký vào đơn đề xuất nguyện vọng được trồng cây mía và các loại cây, rau màu khác chứ không trồng chè.

pp-1645706913.jpg
Người dân tập trung tại nhà văn hóa xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp kiến nghị Công ty không ép dân trồng chè. Ảnh: QĐ

“Trồng chè suất đầu tư cao, khoảng 80-100 triệu đồng/ha, trong khi đầu ra bấp bênh, nhiều nơi đang lao đao vì cây chè. Còn mía suất đầu tư thấp (20-30 triệu/ha), lợi nhuận cao, giá cả được doanh nghiệp cam kết bao tiêu ổn định” – bà Trần Thị Thu Hà, xã Minh Hợp thông tin.

Được biết, khi người dân trồng mía sai quy hoạch, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành lập biên bản, yêu cầu trồng cây chè theo quy hoạch và đã thu hồi đất của 2 hộ nhận khoán do không tuân thủ quy hoạch của Công ty.

Công ty còn ra thông báo nếu hộ nào vẫn trồng mía sai quy hoạch thì sẽ  tổ chức cưỡng chế dỡ bỏ, thu hồi đất. Chủ hộ là cán bộ viên chức của Công ty sẽ cắt danh hiệu thi đua và dừng nâng lương.

Những động thái nói trên làm người dân lo lắng, bức xúc, vì nếu chuyển sang trồng chè sẽ đối mặt với khó khăn, phá sản, còn trồng cây khác thì bị Công ty phá bỏ, thu hồi đất.

Quy hoạch không hiệu quả, dân chịu trận

Ngày 24.2, trao đổi với phóng viên, ông Lê Viết Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên- Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cho biết Công ty đã thông báo về quy hoạch vùng trồng chè cho các hộ nhận khoán.

“Theo hợp đồng giữa 2 bên thì phía hộ nhận khoán phải tuân thủ quy hoạch, cơ cấu cây trồng của Công ty” – ông Lê Viết Minh nói và cho biết thêm việc quy hoạch cây chè đã được tính toán, với quy mô đạt 450 ha vào năm 2025.

Ông Minh cho rằng trồng cây chè đã được Nhà nước hỗ trợ khoảng 20 triệu/ha, cây chè có thời gian kinh doanh dài (trên 50 năm), đầu ra tốt, giá cả ổn định. Công ty đã có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến chè khoảng 12 tỉ vào năm 2023. Ông Minh cũng thừa nhận việc trồng mía suất đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vẫn cho rằng các hộ dân phải tuân thủ quy hoạch trồng chè của Công ty.

Phóng viên hỏi trường hợp trồng chè không mang lại hiệu quả kinh tế, người dân thiệt hại thì ai chịu trách nhiệm, ông Minh vẫn bảo lưu quan điểm doanh nghiệp nhà nước thì phải thực hiện theo kế hoạch, quy hoạch. 

ppp-1645706941.jpg
Công ty Xuân Thành ra quyết định thu hồi đất của một hộ dân vì không tuân thủ quy hoạch. Ảnh: QĐ

Nhiều hộ dân vẫn không đồng tình với giải thích của Công ty, họ đề nghị Công ty có hợp đồng bao tiêu sản phẩm và cam kết bảo đảm giá thu mua chè, tuy nhiên Công ty không thực hiện.

Hộ ông Nguyễn Văn Quý, xóm Minh Thành, xã Minh Hợp đã trồng 1 ha chè theo quy hoạch của Công ty, với tổng mức đầu tư 100 triệu đồng, được hỗ trợ 8,4 triệu đồng tiền làm đất và giống, còn tiền hệ thống tưới chưa được nhận hỗ trợ. “Công ty quy hoạch chè thì gia đình buộc phải theo, chứ không tự nguyện. Trồng chè đầu tư cao, sau 2-3 năm mới có thu hoạch, mà giá cả thì bấp bênh” – ông Quý nói.

“Gần đây, sâu bệnh, giá cả bấp bênh làm người dân hết sức khó khăn, cạn kiệt nguồn lực. Thực tế người trồng chè tại các huyện như Thanh Chương, Anh Sơn, Tương Dương lao đao vì giá chè quá thấp, nay lại buộc dân phá bỏ cây đang có hiệu quả kinh tế cao như cây mía để trồng cây chè là vô lý. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp, huyện và Công ty về họp dân, có trao đổi, cam kết cụ thể” – nhiều hộ dân tại xã Minh Hợp kiến nghị./.