Theo lời kể của gia đình, trẻ bệnh 4 ngày nay với biểu hiện buồn nôn, nôn thức ăn, mệt nhiều, tiểu nhiều nhưng trẻ vẫn ăn uống được,gia đình cho trẻ đến phòng khám tư khám chẩn đoán Viêm ruột kê đơn thuốc về uống, truyền dịch nhưng không đỡ.
Sáng cùng ngày, trẻ mệt nhiều, tiểu nhiều, nôn thức ăn nhiều lần, sụt 6 kg trong 4 ngày, thay đổi ý thức nên người nhà lo lắng đưa trẻ cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ và nhanh chóng được chuyển Bệnh viện Sản nhi Nghệ An điều trị tiếp trong tình trạng lơ mơ, nói sảng, thở nhanh, nông, SpO2: 90%, nhịp tim nhanh, da khô nóng, môi khô.
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán trẻ bị Toan ceton đái tháo đường (đường huyết rất cao 77.39 mmol/L, bình thường: 3.4 – 6.2 mmol/L, HbA1C: 9.6%, bình thường < 6.5%)và tiến hành cấp cứu cho trẻ. Trẻ được chỉ định thở oxy qua mask, thiết lập ngay hai đường truyền tĩnh mạch để bù dịch nhanh, lấy máu xét nghiệm cấp cứu, dùng thuốc kiểm soát đường huyết, ghi điện tim tại giường, theo dõi huyết động liên tục qua catheter.
Sau khi được cấp cứu, trẻ đã qua cơn nguy kịch, hội chẩn thống nhất phương án điều trị với chuyên khoa Nội tiết và được tiếp tục theo dõi,điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu chống độc.
Đái tháo đường có nguy hiểm không?
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Văn Cương- Phó giám đốcBệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Đái tháo đường thường được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe, giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác và ở trẻ em các triệu chứng càng khó phát hiện hơn. Chính vì vậy, trẻ nhập viện thường ở giai đoạn nặng, trong tình trạng toan chuyển hóa, tiền hôn mê, hôn mênếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể nguy kịch, đe dọa tử vong nhanh chóng.
Đái tháo đường là bệnh không lây, hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên chủ yếu là type 1 (phụ thuộc Insulin), do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin.
Với đái tháo đường type 2 (kháng Insulin), hiếm gặp ở trẻ. Tuy nhiên, bệnh đã tăng lên cùng sự gia tăng tỉ lệ béo phì trẻ em, thường gặp sau tuổi dậy thì.
Ngoài ra, ở trẻ em còn có thể gặp đái tháo đường sơ sinh, đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi (MODY), hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).
Biểu hiện của bệnh liên quan đến tăng glucose máu, ban đầu của bệnh thường không triệu chứng. Triệu chứng kinh điển của bệnh tiểu nhiều, gầy nhiều, ăn nhiều, uống nhiều. Càng lâu dần, trẻ mệt mỏi, thị lực nhìn mờ, buồn nôn , nôn, hôn mê ( do nhiễm toan), đe dọa tính mạng. Chẩn đoán bằng định lượng glucose huyết tương (là tình trạng đường máu tăng cao: đường máu lúc đói > 7 mmol/l hoặc sau ăn trên 11 mmol/l). Việc điều trị tùy thuộc vào thể bệnh nhưng bao gồm các thuốc làm giảm lượng đường trong máu, chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng và tập thể dục.
Việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường thường đơn giản thông qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên, phát hiện và sống chung với bệnh đái tháo đường không dễ dàng. Theo dõi đái tháo đường ở trẻ em đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực của trẻ và gia đình, đặc biệt là trong thời gian đầu. Nếu trẻ đang có những dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ của bệnh đái tháo đường, nên đưa trẻ đi tới các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời./.