Tìm hiểu của phóng viện được biết, mỏ đá Thung Mây (xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) của Công ty TNHH Hoàng Danh được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp giấy phép khai thác đá tại vào ngày 20/02/2009, thời hạn khai thác mỏ là 38 năm, kể từ ngày cấp phép.
Theo phản ánh của người dân xóm Hồng Sơn, từ khi mỏ đá Thung Mây đi vào hoạt động khai thác đá đã kéo theo nhiều hệ lụy, đó là tình trạng bụi bẩn bay mịt mù vào mùa nắng, nổ mìn gây rung chấn mạnh, đá văng vào mái nhà người dân, đường sá hư hỏng vì xe tải nặng... Tình trạng này đã đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân dưới chân mỏ đá.
Tiếp nhận thông tin phản ánh, chúng tôi vượt quảng đường hơn 100km từ thành phố Vinh lên xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ để “thực mục sở thị” sự việc. Gần trưa 28/4, phóng viên có mặt tại nhà riêng bà Trương Thị Thìn (xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp), đây là hộ gia đình đang sinh sống dưới chân mỏ đá Thung Mây, gần với bãi đổ thải của doanh nghiệp. Bà Thìn vừa đi làm đồng về, mồ hôi nhễ nhãi, tay cầm chiếc nón lá vừa quạt vừa nói, từ khi mỏ đá Thung Mây đi vào hoạt động, cuộc sống người dân ở đây bị đảo lộn hoàn toàn, không khí không còn trong lành, mỗi khi mìn nổ trên mỏ đá thì ai nấy nơm nớp lo sợ đá rơi trúng nhà, trúng người... Nhiều gia đình ở trong xóm đã có đá rơi làm vỡ ngói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tân Kỳ, cho biết: Những năm trước đây có tình trạng nổ mìn ảnh hưởng đến nhà dân, người dân phản ánh sự việc đến chính quyền, sau đó xã, huyện đã họp với người dân và yêu cầu phía công ty có hình thức bồi thường, khắc phục thiệt hại cho người dân.
Đề cập vấn đề doanh nghiệp đổ thải trái phép, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay: Vừa rồi huyện đã kiểm tra và xử lý phạm hành chính, vì công ty sử dụng bãi thải khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Được biết, khu vực bãi đất công ty Hoàng Danh đổ thải đã được doanh nghiệp này đền bù, hỗ trợ cho người dân sử dụng đất trước đó. Khu đất đó do UBND xã Tân Hợp quản lý, giao cho người dân sử dụng, nhưng đất xa xấu, bạc màu không trồng trọt được, đất bỏ hoang lâu nay. Khi công ty lấy đất, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân để người dân không khỏi thiệt thòi.
Trao đổi với phóng viên về bãi đổ thải trái phép, bà Đinh Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Danh cho biết đang làm thủ tục hồ sơ thuê đất. “Bọn chị làm gần đầy đủ rồi, đang chờ huyện bổ sung vào quy hoạch nông thôn mới nữa là xong ” - bà Hiền nói.
Trao đổi về việc vì sao mỏ đá Thung Mây chưa lắp đặt hệ thống cân tải trọng và hệ thống camera giám sát, bà Hiền cho rằng việc đó rất lãng phí. “Vì hàng hóa của nhà chị mà cân tại công ty là các nhà máy họ cũng không tin, khi về bán tại các nhà máy là có trạm cân của các nhà máy rồi, vì vậy mình lắp một trạm cân tại mỏ nựa thì nó rất là lãng phí kinh phí của doanh nghiệp”. Khi được hỏi làm thế nào để kiểm soát tải trọng xe tại mỏ? Bà Hiền nói rằng không cần phải qua cân mà chỉ cần “áng chừng”. Mặc dù bà Hiền vẫn biết quy định của Bộ TN&MT là tại mỏ khai thác đá là phải lắp đặt hệ thống cân tải trọng và hệ thống camera nhưng lại không thực hiện. Bà Hiền nói: “Chị vẫn biết quy định của Bộ là có trạm cân, riêng mỏ nhà chị lắp thì nó cũng lãng phí, lắp để đó thôi chứ không phải lắp để sử dụng”.
Theo quan sát của phóng viên, hoạt động khai thác đá của doanh nghiệp gây ra tiếng ồn, bụi bẩn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có hành vi đổ thải trên diện tích đất chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật..