55-1729822732.PNG
Khu tái định cư phía sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn với diện tích khoảng 3,9ha đang được gấp rút hoàn thành vào cuối năm nay cho hơn 50 hộ dân. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Đã gần 3 năm kể từ ngày xảy ra lũ quét, hàng trăm hộ dân xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn phải đi ở nhờ, ở tạm trong những căn nhà chật chội, thiếu thốn cơ sở vật chất.

Thêm một mùa mưa bão, người dân nơi đây phải sống trong thấp thỏm, lo âu thường trực. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai dự án tái định cư nhưng do vướng phải nhiều thủ tục, qua nhiều sở, ngành khiến dự án chưa thể hoàn thành.

Gần 3 năm chờ đợi

Sau trận lũ quét tháng 10/2022, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén huyện Kỳ Sơn có gần 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong số đó, riêng xã Tà Cạ có 54 căn nhà bị sập, trôi hoàn toàn, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.

Không chỉ bị ảnh hưởng vì trận lũ quét, tại bản Hòa Sơn, tình trạng sạt lở núi cũng xuất hiện buộc nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ngay sau đó, phương án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng được chính quyền địa phương gấp rút thực hiện. Thế nhưng vì vướng các thủ tục chuyển đổi đất đai, đến nay các khu tái định cư vẫn chưa thể hoàn thành.

56-1729822766.PNG
Khu vực bị sạt lở đất khiến nhà dân bị hư hỏng buộc phải di dời ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An). (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Là một trong những hộ bị mất nhà do trận lũ quét, anh Lô Thanh Tâm, (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) nhớ như in ngày lũ quét tràn về. Ngôi nhà cùng tất cả tài sản của anh đều bị cuốn theo dòng nước, may mắn các thành viên trong gia đình vẫn an toàn. Sau lũ, được chính quyền, người dân cả nước quan tâm, hỗ trợ anh đã dựng lại căn nhà tạm, chờ ngày tái định cư.

“Khi Nhà nước thông báo có chủ trương di dời đến nơi tái định cư mới, gia đình rất vui. Bởi ở đây, cuộc sống khi nào cũng trong tình trạng thấp thỏm, nhất là những ngày mưa lớn. Thế nhưng, đã gần 3 năm qua, người dân mòn mỏi chờ đợi mà các khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành. Bây giờ, chỉ mong muốn chính quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư để người dân được di dời để ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất,” anh Tâm cho biết.

Dù không chịu ảnh hưởng của lũ quét, nhưng gia đình anh Lô May Thanh (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) lại nằm trên vùng bị sạt lở. Những vết nứt ngày càng rộng khiến một số ngôi nhà trong khu vực bị sụt lún, nứt vỡ, nhiều hộ dân buộc phải di dời. Do chưa có mặt bằng nên gia đình anh chỉ còn cách làm nhà tạm ngay cạnh nhà cũ để chờ ngày được di dời tới nơi tái định cư.

“Nhà tạm nên điều kiện cơ sở vật chất rất khó khăn, mùa nắng thì nóng bức còn mùa mưa thì nơm nớp lo sợ sụt lún. Những hôm trời mưa to, buổi tối gia đình phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm chứ không dám ở nhà. Bà con ai cũng mong ngóng khu tái định cư hoàn thành để di dời nhưng đợi chờ lâu quá nên một số gia đình đã chủ động tìm nơi ở mới, một số khác cũng xây nhà kiên cố ngay trong vùng có nguy cơ sạt lở. Hy vọng, chính quyền đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo điều kiện để người dân sớm được chuyển đến khu tái định cư, yên tâm sinh sống,” anh Thanh cho hay.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Để hỗ trợ người dân vùng lũ quét sớm an cư và ổn định cuộc sống, Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn đã triển khai Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho người dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn” với kinh phí đầu tư 94 tỷ đồng.

Tại khu tái định cư phía sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện với diện tích khoảng 3,9ha sẽ có 50 hộ được bố trí di dời tới.

Tại khu tái định cư tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, diện tích khoảng 8,6ha, hơn 130 hộ sẽ được bố trí nơi ở mới. Tuy nhiên, đến nay Khu tái định cư tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ vẫn chưa thể triển khai.

54-1729822800.PNG
Gia đình anh Lô Thanh Tâm (bên phải) tại bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã dựng lại căn nhà ở tạm, chờ ngày tái định cư. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn cho biết lúc đầu dự án được xây dựng với hình thức dự án cấp bách. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại theo hình thức thông thường nên theo trình tự phải trải qua nhiều thủ tục, nhiều cơ quan, ban, ngành.

Ngoài ra, do vướng mắc về chuyển đổi đất rừng, dự án vẫn chưa thể triển khai. Hiện, các thủ tục pháp lý đã được địa phương hoàn thiện và gửi lên cấp tỉnh để triển khai các bước theo phân cấp thẩm quyền.

Riêng dự án khu tái định cư phía sau Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện đang được địa phương gấp rút thực hiện, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm nay.

Để đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng nguy cơ sạt lở ở Tà Cạ nói riêng và toàn huyện nói chung, Kỳ Sơn đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, nguy cơ sạt lở. Đồng thời, huyện chỉ đạo các ngành xây dựng kịch bản phù hợp, các địa phương sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Ông Vi Văn Mằn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết trong khi chờ xây dựng các khu tái định cư, để giúp người dân ổn định cuộc sống, hằng tháng, hằng quý, chính quyền xã đều có các đoàn kiểm tra tình hình sạt lở ở địa phương; qua đó, thăm hỏi, động viên người dân cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong những ngày mưa gió, chính quyền địa phương đều cử lực lượng tích cực hỗ trợ di dời tạm thời những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở. Đối với những gia đình có nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lực lượng chức năng kiên quyết không cho người dân ở lại trong nhà.

Giúp người dân sau khi được tái định cư ổn định cuộc sống, về lâu dài, chính quyền cấp trên cần có chính sách để người dân nhận thêm đất sản xuất để trồng trọt, chăn nuôi, ổn định cuộc sống.

Kỳ Sơn là huyện miền núi có mật độ dân số khá thấp, tuy nhiên do địa hình đồi núi có độ dốc lớn nên chỉ khoảng 1% diện tích có thể làm nhà ở được, vì vậy tìm kiếm mặt bằng cho công tác tái định cư gặp rất nhiều khó khăn.

Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều một số vùng dù có nguy cơ cao về sạt lở đất nhưng thiếu mặt bằng, kinh phí nên chưa thể di dời người dân đến nơi an toàn. Điển hình như khu vực bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn.

Khu vực này xuất hiện nhiều vết nứt lớn từ năm 2018, khiến nhiều nhà dân, công trình công cộng bị hư hỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của hộ 50 hộ dân. Hiện, chính quyền địa phương đã vận động được 20 hộ dân di dời đến nơi ở mới an toàn. 30 hộ còn lại do điều kiện khó khăn, thiếu mặt bằng nên chưa thể di dời, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn cho hay./.