hj-1702524001.jpg
Giọng Nghệ khó nghe, khó hiểu?

Có đến 6 - 7 giọng Nghệ An trong cùng một xã

Khi bàn về giọng Nghệ An rất khó để khẳng định giọng nói ở đâu chuẩn nhất. Bởi lẽ, mỗi huyện hay mỗi xã trong cùng một huyện có những cách nói rất khác nhau.

Huyện Nghi Lộc là một ví dụ điển hình nhất. Địa phương này được "bình chọn" là vùng đất có giọng nói đặc trưng hơn cả. Cụ thể với kiểu dùng ngôn ngữ không dấu, đi kèm thổ ngữ, tiếng Nghi Lộc còn nặng hơn tiếng Nghệ nói chung và khiến người ngoài nghe mà ngỡ ngàng, ngơ ngác.

Nhưng tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy thêm một điều thú vị ở vùng đất này: Cũng là huyện Nghi Lộc, nhưng hai xã Nghi Thái và Phúc Thọ (gọi chung Phúc Thái Thọ) có giọng nói khác biệt hoàn toàn với các xã còn lại. 

Cụ thể vẫn cách nói "ca co cuông, ca co đuôi” (cà có cuống, cá có đuôi) như giọng nói Nghệ An thường thấy ở Nghi Lộc. Nhưng ngay trên cùng một xã Nghi Thái có đến 6 - 7 giọng nói khác nhau hoàn toàn. Sự khác biệt này đến từ cách phát âm nặng nhẹ, câu từ không có dấu và rất nhiều thổ ngữ. Ví dụ người dân ở đây hay nói: "toi – tỏi, cẳng – chân, oi – giỏ, gon – cói; chơ ma – nhưng mà, đi tầy – đi kìa, hấn lợ cây rây – lỡ việc thì ngạ"...

Ngoài cách nói nhanh, mất dấu câu thì người dân ở xã Phúc Thọ còn dùng nhiều từ đệm ở đầu và cuối câu rất thú vị. Cụ thể từ "woa" trở thành thán từ thường xuyên được dùng ở xã này. Thử nghe một đoạn trò chuyện của hai cô gái tên Thảo và Nga ở xã Phúc Thọ nhé.

- woa, Nga đi mô vê đo…? (Ôi, Nga đi đâu về đó?)

- Nga đi sang nha cô Binh vê. Chị Thao lấy Nga mánh nác vơi! (Nga đi sang nhà cô Bình về, chị Thảo lấy cho Nga miếng nước với)

- Răng đi ma không kêu chi Thao vơi, tiếc he (sao đi mà không kêu  chị Thảo với, tiếc quá)

uuu-1702524030.jpg
Con trâu thì gọi cân tru..

Những bài vè bằng giọng Nghệ đặc biệt

Đến vùng đất Nghi Lộc bạn đọc sẽ thấy người dân ở đây từ ngàn xưa đã sáng tác rất nhiều bài thơ, vè thú vị bằng giọng Nghệ An đặc trưng. Tất nhiên, với bạn đọc ngoại tỉnh, thậm chí ở xứ Nghệ nhưng không sống nhiều ở vùng đất Nghi Lộc thì vẫn rất khó nghe khó hiểu.

Ví dụ, có bài vè dưới đây của người dân xã Phúc Thái Thọ thường lưu truyền như sau:

O bán háng nay đã mấy tuồi
Nước o còn nọng hay đã nguồi
Trên hạ lụng lặng một gói nẻm
Lơ thơ dưới mọc mấy quả chuồi
Bánh mỏng, bánh dày đều trơn mợ
Khoai môn, khoai ngá phải chấm muồi...

Dịch sáng tiếng phổ thông nghĩa là:

Cô bán hàng nước đã mấy tuổi
Nước cô còn nóng hay đã nguội
Trên treo lủng lẳng một gói nem
Lơ thơ dưới móc mấy quả chuối
Bánh mỏng bánh dày đều trơn mỡ
Khoai môn, khoai ngứa phải chấm muối

lk-1702524063.jpg
Món Nghệ đậm đà...

Chất giọng đặc biệt từ ngàn đời xưa

Người dân Nghi Lộc cho biết rằng chính họ cũng không thể biết vì sao họ lại có giọng Nghệ An đặc biệt đến như vậy. Theo tâm sự của những cụ già ở đây, từ lúc sinh ra đã nghe ông bà, cha mẹ nói và cứ thế tiếng quê thấm vào máu thịt và truyền từ đời này qua đời khác.

Đặc biệt với người dân hai xã Nghi Thái, Phúc Thọ họ tâm sự rằng muốn đổi giọng cũng không được. Khi nói chuyện với người ngoài, họ chỉ có cách dùng từ ngữ phổ thông thay cho thổ ngữ, còn chất giọng thì "chịu", không thể đổi và cũng không muốn đổi. Bởi vì đó là tiếng nói của cha ông ta.

Theo một số nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về giọng nói ở các xã trong cùng một huyện là hiện tương “na ná nhau” về thanh điệu. Nhưng về bản chất, đây vẫn là giọng nói của những người nói tiếng Việt chính hiệu. Chỉ có điều là giọng nói này hoặc đã lưu giữ trạng thái tiếng Việt khá cổ xưa hoặc có những biến âm khá “đặc biệt” so với giọng phổ thông mà thôi. Và dù giọng nói khác nhau, đặc biệt và dẫu khó nghe thì đó vẫn là nét đẹp trong văn hóa đời sống từ bao đời nay của người dân.

Ngoài các xã Nghi Thái, Phúc Thọ thì nhiều xã khác ở huyện Nghi Lộc cũng có cách nói giọng Nghệ An rất khác biệt. Tiếng nào cũng khó nghe, khó hiểu, thậm chí có thôn cách nhau một con kênh cũng nói khác nhau. Và đó chính là sự đa dạng, phong phú của tiếng Nghệ quê mình.