Không muốn nhập khẩu lồng bè để nuôi cá với giá thành rất cao, một chàng trai ở Nghệ An đã nuôi ý tưởng và sau 7 năm chế tạo thành công lồng bè nội địa giá rẻ cho nông dân.
Những chiếc lồng bè bằng nhựa HDPE dùng để nuôi cá
"Họ làm được, sao mình lại không ?”
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư thủy sản, Hoàng Văn Hợi (ngụ H.Nghi Lộc, Nghệ An) được nhận vào công tác tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Bộ NN-PTNT), phụ trách việc nuôi trồng thủy sản trên biển. Tiềm năng nuôi trồng thủy sản của nước ta rất lớn, nhưng lâu nay người dân vẫn nuôi trong các lồng làm bằng tre, gỗ với giá thành không hề rẻ, trong khi thời gian sử dụng rất ngắn, chỉ vài ba năm là hỏng, khiến chàng trai trẻ này phải suy nghĩ.
“Ở các nước phát triển, người ta đã nuôi trong các lồng bè bằng nhựa HDPE từ hàng chục năm qua, độ bền 40 - 50 năm với nhiều lợi thế hơn trong sản xuất, sử dụng. Nhưng lồng bè này rất lớn, để nhập khẩu phải đặt hàng để họ sản xuất loại phù hợp với điều kiện nước ta nhưng giá thành rất cao nên người dân khó tiếp cận được”, Hợi nói.
Ý tưởng nghiên cứu để sản xuất loại lồng bè phù hợp với điều kiện, môi trường nước ta để nuôi thủy, hải sản hình thành trong đầu chàng trai trẻ này.
“Tại sao họ làm được, mình lại không?”, Hợi nghĩ và bắt đầu đeo đuổi giấc mơ lồng bè. Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, khi ý tưởng làm lồng bè bằng nhựa HDPE đã khả quan hơn, đề tài khoa học này được cơ quan chuyên môn đánh giá cao, Hợi xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước để làm bằng được lồng bè HDPE. Do trong nước chưa có doanh nghiệp nào sản xuất lồng bè bằng nhựa HDPE nên phụ kiện để lắp đặt, Hợi đều phải đặt ở nhà máy sản xuất nhựa. Năm 2015, sau 7 năm “thai nghén” với nhiều thử nghiệm, lăn lộn ở hồ nước, chiếc lồng bè bằng nhựa đầu tiên của Hợi đã chào đời.
Chiếc lồng bè có dung tích 50 m3 này được anh mang đến lắp đặt tại hồ thủy điện Bản Vẽ (H.Tương Dương, Nghệ An). Lồng bè được làm bằng nhựa HDPE nổi trên mặt nước rất đẹp với giá thành chỉ 17 triệu đồng (rẻ hơn lồng tre, gỗ) đã gây chú ý và thích thú cho người dân nuôi cá ở hồ Bản Vẽ. Nhiều người đến xem, sau đó đặt mua để thay thế các lồng bè truyền thống bằng tre, gỗ cồng kềnh, dễ hỏng. Hợi thành lập doanh nghiệp, đăng ký bảo hộ sản phẩm lồng bè này và sản xuất hàng loạt để cung cấp cho người dân nuôi cá trên sông và biển.
Mang lợi cho nông dân
Sau nhiều năm nuôi cá trên hồ thủy điện Khe Bố (H.Tương Dương, Nghệ An), anh Lô Văn Co đã thay lồng bè tre, gỗ bằng lồng nhựa HDPE để thả cá. Sau 4 năm nuôi bằng lồng bè nhựa, anh Co cho biết cá lớn nhanh hơn lồng tre vì lượng nước lưu thông tốt hơn, cá được tiếp xúc với các loại thức ăn từ tự nhiên nhiều hơn nên thịt dai và không có mùi tanh của bùn như cá nuôi trong ao. Hiện anh Co đã đầu tư 12 lồng cá bằng nhựa thay thế cho lồng tre.
“Giá thành lồng cá bằng nhựa này rẻ hơn bằng tre, độ bền được đảm bảo 40 - 50 năm nên chúng tôi rất an tâm. Loại lồng này bằng nhựa dẻo, chịu sóng rất tốt, nhẹ hơn tre, gỗ nên mùa mưa lũ rất dễ di chuyển”, anh Co nói. Tại H.Tương Dương từ năm 2012 đến nay, hàng ngàn hộ dân phải di dời để xây dựng các thủy điện, mất đất sản xuất, nghề nuôi cá trở thành “cần câu cơm” chính của họ. Tại huyện này, gần 300 lồng bè nhựa HDPE để nuôi cá đã thay thế lồng bè tre, gỗ truyền thống.
Lồng bè nhựa HDPE của chàng trai Hoàng Văn Hợi hiện đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Phụ kiện để sản xuất lồng bè đều đang phải đặt mua, trong đó có một số phụ kiện phải mua từ nước ngoài. Hợi cũng cho biết anh dự tính sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phụ kiện để giảm giá thành lồng bè thấp hơn nữa với mục tiêu đưa lồng bè đến người dân với giá rẻ nhất có thể.
“Từ nhỏ, tôi đã rất thích cá và theo đuổi đam mê ngành thủy sản. Nước ta có diện tích mặt nước rất lớn, nhất là các hồ thủy điện. Đó là tiềm năng nuôi trồng thủy sản, tạo kế sinh nhai cho người dân bị mất đất sau khi thủy điện tích nước. Khi theo đuổi lĩnh vực này, tôi làm vì đam mê và muốn giúp người nông dân tiếp cận công nghệ hiện đại hơn, thay vì cách nuôi thủ công truyền thống”, chàng kỹ sư 37 tuổi này nói.
Với sản phẩm rất có lợi cho nông dân này, Hợi đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An và Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An./.