Thúc đẩy kết nối, mời gọi

Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các địa phương trong khu vực, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư. Hiện tại, tỉnh cũng đã kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách, đổi mới phương thức tiếp cận, chỉ đạo quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay Nghệ An đã trở thành trung tâm của khu vực về chế biến thực phẩm, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng,...

khoi-cong-du-an-nha-may-goertek-vao-kcn-wha-industrial-zon-16382488-22122021-1640146466.jpg
Khởi công dự án Nhà máy Goertek tại KCN WHA Industrial Zon 1. Ảnh: Phạm Bằng

Riêng trong năm 2021, tính đến ngày 30/11, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 106 dự án và điều chỉnh 118 lượt dự án đầu tư với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 28.072,80 tỷ đồng; tăng 41,33% về số lượng dự án và gấp 2,92 lần về tổng mức đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Có nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn và mới đã đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Nghệ An như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Huali, Tập đoàn Mobifone, Tập đoàn Zuru, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn AEON Mall...

Đó là kết quả của quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư của chính quyền các cấp, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, so với tiềm năng và lợi thế của địa phương thì việc thu hút các nhà đầu tư về Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay.

image-3944267-22122021-1640146488.jpg
Thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã có mặt đầu tư tại Nghệ An. Ảnh: Nguyên Nguyên

Ông Hoàng Vĩnh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: Trước những khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, vì thế mà hoạt động xúc tiến đầu tư cũng đã được đổi mới theo hướng linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. 

Học cách làm hay

Tại một hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác xúc tiến đầu tư mới đây, bà Vũ Thị Kim Chi - Phó ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh đã chia sẻ một cách làm rất thiết thực. Theo đó, tại Quảng Ninh, đơn vị phụ trách công tác xúc tiến đầu tư đã xây dựng quy trình xúc tiến đầu tư theo một chuỗi khép kín, theo sát bước chân của nhà đầu tư từ khi mời gọi đến khi nhà đầu tư quyết định thực hiện đầu tư dự án trên địa bàn. Đồng thời tham mưu cho tỉnh thành lập Tổ chăm sóc hỗ trợ nhà đầu tư, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và báo cáo lãnh đạo tỉnh tiến độ thực hiện các dự án. 

bna-lv-24209322-22122021-1640146512.jpg
Các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư ở Hoàng Mai. Ảnh: P.V

Đặc biệt, bà Chi chia sẻ việc Quảng Ninh đã xây dựng được bộ tài liệu, danh mục ưu tiên thu hút một cách cụ thể, chi tiết, nhất là đối với những thị trường khó tính. Xây dựng các danh mục dự án đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư xem xét. Đồng thời, luôn tìm hiểu kỹ thị trường mà mình mong muốn xúc tiến, bao gồm cả kinh tế, văn hóa để thuyết phục tỉnh trong việc thu hút, mời gọi đầu tư.

Bà Trần Thị Huế - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài thì cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dòng vốn FDI đã có sự dịch chuyển nhất định, các nhà đầu tư lớn đã cân nhắc việc dịch chuyển dòng vốn đến các thị trường an toàn để phân tán rủi ro, trong đó có khu vực châu Á.

Để có những bước đột phá lớn thì Nghệ An cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa bám sát tình hình mới. Kịp thời điều chỉnh những quy định chồng chéo, chưa phù hợp để chỉ đạo hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, giúp các nhà đầu tư có được một "môi trường" an toàn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt, giải quyết đề xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn.

bna-76633922860-22122021-1640146538.jpg
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Ảnh: Tiến Đông

Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì trước hết cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành (DDCI). Đây chính là phép đo lường chất lượng quản trị địa phương, tác động lớn đến việc cải thiện chỉ số PCI. Chính vì thế, cần phải xây dựng được hệ thống đánh giá từ bên trong (đánh giá tổ chức, đánh giá cán bộ) và đánh giá bên ngoài (đo lường tính hiệu quả). Phải xây dựng được thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động của các sở, ngành. Lấy ý kiến cảm nhận, đánh giá của người dân đối với cơ quan Nhà nước thông qua các hoạt động giao dịch, tương tác, giải trình.../.