1-1671260038.jpg
Những người phụ nữ cần mẫn cuốc từng m2 cát để tìm ngao trên bãi biển xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Những ngày này, tranh thủ buổi trưa thời tiết ấm hơn, nhiều người phụ nữ xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại mang vợt, cuốc ra bãi biển để cào bắt ngao.

Theo người dân địa phương, vụ đánh bắt ngao bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Tuy nhiên, do thời điểm này khí hậu lạnh nên ngao hiếm, giá cả vì vậy cũng tăng lên gấp đôi.

Tranh thủ những ngày nông nhàn, vào giữa trưa khi thủy triều rút, từng nhóm phụ nữ lại rủ nhau ra bãi biển cào ngao về vừa cải thiện bữa cơm gia đình, vừa bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Do thời tiết lạnh giá, người dân chỉ cào ngao trên cạn, nơi thủy triều vừa rút tìm những con ngao bị vùi lấp dưới những lớp cát. Để đối phó với giá lạnh, họ mặc 2 đến 3 chiếc áo khoác, chân đeo ủng, bao tay, khăn quàng, mũ, nón trùm kín.

2-1671260063.jpg
Tranh thủ buổi trưa thời tiết ấm, những người phụ nữ ra bãi biển bắt ngao.
3-1671260071.jpg
Sử dụng cào sẽ nhanh và bắt được nhiều ngao hơn.

Vật dụng dùng để cào ngao rất đơn giản, người thì dùng cuốc, người thì dùng chiếc vợt “chuyên dụng” tự chế bằng cây tre. Đoạn tre dài khoảng 1,6 – 1,8m được ngâm trong nước đến đủ độ dẻo. Sau đó chẻ làm đôi, tách ra thành hình chữ V ngược. Lưỡi cào làm bằng thép sắc mỏng buộc vào đoạn tre.

Khi cào ngao bằng vợt phải cúi khom người, 2 tay nắm chắc dây và thanh tre, dùng lực ấn mạnh lưỡi cào xuống cát, sâu khoảng 10cm và đi giật lùi. Khi phát hiện có ngao, người dân sẽ dừng lại dùng tay bới lớp cát nhặt ngao.

Không có vợt, nhiều người còn dùng cuốc ngồi bới từng lớp cát mỏng, bới đến đâu tìm, nhặt ngao bỏ vào những cái xô mang theo bên cạnh. Cứ thế, chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ cần mẫn, họ đã cào được từ 1,5 đến 2kg ngao.

Nghiêng xô ngao vừa mới cào được, bà Nguyễn Thị Thúy (SN 1962, trú tại xã Quỳnh Bảng) cho biết, đa số người dân tại địa phương sống bằng nghề trồng rau màu. Trận mưa dài ngày vừa rồi đã làm rau hư hại hết, mất mùa, nhiều gia đình lâm cảnh trắng tay. Trông chờ khoản thu nhập từ những luống rau vào dịp Tết không còn, họ tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng việc cào ngao.

“Mỗi ngày từ 12h trưa đến 15h chiều, chúng tôi ra đây vừa cuốc, cào vừa chuyện trò lại kiếm thêm tiền tiêu Tết. Nếu cào dưới nước thì dễ hơn, được nhiều con to nhưng mùa này lạnh, ngại ngâm mình dưới nước. Cào trên bãi dù không năng suất bằng nhưng ấm hơn, an toàn lại đảm bảo sức khỏe hơn”, bà Thủy chia sẻ.

4-1671260103.jpg
Không có cào, nhiều người dùng cuốc, mò mẫm tìm kiếm từng con ngao trên bãi biển.
5-1671260116.jpg
Thành quả của bà Thúy sau 3 tiếng bắt ngao.

Trong khi đó, bà Hồ Thị Ngân (SN 1970, trú tại xã Quỳnh Bảng) cho biết, bình quân mỗi người cào được khoảng 3-4kg. Số ngao cào được sẽ mang rửa sạch, phân loại. Con nhỏ thì đưa về nhà nấu canh, con lớn đưa bán.

Vào mùa này, loại ngao nhỏ có giá từ 30.000 đồng/kg, ngao lớn từ 50.000-70.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, một người có thể kiếm được từ 150.000-200.000 đồng. Nhờ việc cào ngao mà nhiều gia đình ở xã Quỳnh Bảng có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, chu cấp cho con cái ăn học.

Được biết, con ngao biển có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, phong phú như ngao hấp lá sả, luộc, nấu canh khế chua... Các món ăn này vừa bổ, vừa mát được người dân rất ưa thích./.

Theo Phạm Tâm - giaoducthoidai.vn