Từ mảnh đất rừng thiêng nước độc, 28 thanh niên TNXP đã lên lập nghiệp tạo nên một vùng đất trù phú ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Những trái tim nóng hổi, những bàn tay nhiệt huyết
Đứng ở trụ sở tổng đội thanh niên xung phong 5, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhìn ra phía xa là một màu xanh của nương chè, vườn cam, rừng cây. Nhìn khung cảnh này, không ai nghĩ mảnh đất trù phú này hơn 20 năm về trước là chốn “thâm sơn cùng cốc” với rừng rú âm u, đêm đến là tiếng hú của các động vật hoang dã.
Anh Trần Đình Tuấn (SN 1976), đội sản xuất số 2, Tổng đội TNXP 5 là một trong những thanh niên đầu tiên đến khu vực này nhớ lại: “Tôi vốn quê ở thị trấn Nam Đàn cách đây gần 50km. Theo tiếng gọi của Tỉnh đoàn Nghệ An, đội sản xuất của chúng tôi vào nơi này lập làng lập xóm. Thời điểm đó, mặc dù đã được thông báo nhưng từ nơi đô thị phồn hoa đến vùng hoang vu này chúng tôi vẫn vô cùng ngỡ ngàng”.
Năm 2000, Tổng đội TNXP 5 - XDKT Nghệ An chính thức ra đời, đóng tại địa bàn 2 xã Thanh Thủy và Thanh Hà, huyện Thanh Chương. Nhiệm vụ chính là xây dựng làng thanh niên, đưa thanh niên vào vùng dự án lập thân, lập nghiệp; ổn định cuộc sống lâu dài, tạo việc làm và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các đội viên TNXP; đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh trật tự và an ninh biên giới Việt Nam - Lào.
Anh Tuấn và vợ đang thu hoạch chè, thế nhưng để được như hiện nay là những tháng ngày đằng đẵng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” lao động của mọi người.
“Từ những ngày đầu, nơi chúng ta đứng là một vùng rừng núi hoang vu, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, không đường, không điện. Chúng tôi làm việc lúc đó hoàn toàn dựa vào đúng đôi bàn tay nhiệt huyết theo nghĩa đen”, anh Tuấn nói.
Võ Tuấn Vy - Đội phó Tổng đội TNXP 5 kể, chỉ với 5 cán bộ và 23 đội viên tuổi mười tám đôi mươi, không quản ngày đêm cùng nhau băng rừng, lội suối, phát quang cây dại, tổ chức quy hoạch vườn hộ và bắt tay ngay vào việc xây dựng vườn ươm chè, cây ăn quả.
“Trong muôn vàn khó khăn của những ngày đầu, khó khăn lớn nhất là con đường. Thời điểm đó chưa có cầu, để đến được Thanh Thủy phải qua đò ngang sông Lam, rồi tiếp tục đi bộ từ trung tâm xã vào hơn 15km. Sáng xuất phát từ thành phố Vinh thì phải xế chiều mới tới nơi”, anh Vy nhớ lại.
Tối đến, đèn dầu leo lắt giữa màn đêm tĩnh mịch, anh em đóng cọc dựng lán, chặt tre nứa làm phên phản để nằm, phía dưới phải rắc vôi bột đề phòng sên, vắt bò lên. Nhiều người ngã bệnh sốt rét. Gian nan là vậy nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ai có suy nghĩ quay đầu bỏ cuộc.
Đi qua cầu tràn, Võ Tuấn Vy cười: “Con suối này xưa sâu và rộng lắm, đá lởm chởm như chông, không cẩn thận trượt chân là bị nước cuốn đi, phải rất khó khăn thì anh em mới mò mẫm vượt qua được. Khủng khiếp nhất là có một đàn đỉa đói ở đây, cứ qua sông kiểu gì cũng phát hiện vài con ở bắp chân”.
Màu xanh của cánh đồng chè đã thay thế rừng núi hoang vu trên mảnh đất Thanh Chương.
Kỳ tích được xây bằng mồ hôi, nước mắt
Nói về thành tích hôm nay, anh Hoàng Văn Đông - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 chia sẻ: “Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, đội viên đã nỗ lực phấn đấu, biến vùng đất cằn cỗi, hoang vu trở nên trù phú, xanh tốt đồi chè, rừng keo, cây ăn quả và những trang trại tổng hợp cho thu nhập cao. Đây là kỳ tích của thanh niên xung phong Nghệ An”.
Hiện, Tổng đội TNXP 5 có 230ha chè, giá trị thu nhập khoảng 10 tỷ đồng/năm. Bên cạnh cây chè, các hộ đội viên đã trồng và chăm sóc thêm 20ha lúa nước, 40ha cây rễ hương, 100ha keo nguyên liệu, 20ha cam, 10ha măng tre điền trúc... Tổng thu nhập từ trồng trọt đạt 15 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, các hộ đội viên phát triển 400 con gia súc, 10.000 con gia cầm...
“Chúng tôi đã cố gắng động viên nhau cố gắng. Để kể chuyện thì nhiều ngày sau cũng không hết. Tuy nhiên, những con số nói lên tất cả, nơi rừng núi biên cương hoang hóa, kỳ tích vùng kinh tế trù phú được tạo dựng nên từ bàn tay, con tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ”, anh Đông nói.
Anh Chu Đức Thái - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết, bằng nhiệt huyết của nhiều thế hệ thanh niên, đội viên đã khai phá các vùng đất trống đồi núi trọc và đất rừng không có giá trị về kinh tế, các tổng đội đã tổ chức di dân, khai hoang xây dựng được các vùng trồng cây nguyên liệu tập trung quy mô lớn chè, nghệ, mía, dứa; xây dựng các mô hình chăn nuôi, bảo tồn các giống vật nuôi bản địa như gà đen, lợn đen...
“Không chỉ khai khẩn đất đai lập nghiệp, mô hình Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế ở miền Tây xứ Nghệ còn là minh chứng cho tinh thần không quản ngại khó khăn gian khổ của tuổi trẻ “đâu cần, thanh niên có; đâu khó, có thanh niên”. Kết quả hiện nay đã là minh chứng cụ thể nhất cho sự cố gắng đó”, anh Thái nói.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 11 đơn vị TNXP được thành lập, đóng quân và hoạt động trên hầu hết các huyện miền núi Nghệ An. Các đơn vị TNXP đã khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả cao trên diện tích đất nông - lâm nghiệp vốn bị bỏ hoang, vùng núi khó khăn hiểm trở để hình thành các khu kinh tế trang trại tập trung; hình thành và phát triển các vùng cây nguyên liệu tập trung, phục vụ công nghiệp chế biến của tỉnh, phát huy tương xứng với tiềm năng kinh tế xã hội của tỉnh nhà./.