Bị lừa đảo nên nợ một khoản tiền lớn, bà Ngô Thị Lam phải chạy vạy làm thuê để có tiền trả nợ và trang trải cuộc sống. Tháng 5/2020, bà bàng hoàng khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Không có tiền trả nợ, không có tiền chữa bệnh, bà đành rao bán ngôi nhà duy nhất.
Chúng tôi biết đến hoàn cảnh cùng quẫn của bà Ngô Thị Lam (SN 1963) ở khối 9, phường Lê Lợi (TP Vinh) qua lời phản ánh của một số người dân trên địa bàn.
Trong ánh nắng chiều vàng võ của một ngày đầu tháng 8, bà Lam vừa trở về từ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, vẻ mặt xanh xao, mệt mỏi và giọng nói thều thào. Sau lần thứ 3 chuyền hóa chất trị ung thư, không chỉ sức khỏe của bà bị giảm sút, kiệt quệ, đầu phải cạo trọc do tóc rụng gần hết mà những đồng tiền tích cóp được cũng đã cạn kiệt.
Rơm rớm nước mắt nhìn 2 đứa cháu nội vô tư chơi trước hiên nhà, bà Ngô Thị Lam ho húng hắng và giãi bày: "Tôi hiện không biết sống chết thế nào, sắp tới đây bác sỹ cho biết nếu bệnh của tôi tiến triển tốt thì sẽ bước vào giai đoạn xạ trị với liệu trình 25 lần, mỗi lần 1 triệu đồng. Nhưng giờ không biết lấy tiền đâu ra để chữa trị, lại thêm khoản trả nợ. Nhưng nếu bán nhà thì chồng, con, các cháu bơ vơ, đau lòng lắm, tôi có ra đi cũng không yên lòng".
Đường vào ngôi nhà của bà Ngô Thị Lam. Ảnh: Hoài Thu
Căn nhà sơ sài của bàn Lam nằm khá sâu trong con ngõ nhỏ. Bà Trần Thị Hà - Khối trưởng khối 9, phường Lê Lợi cho biết, bà Lam năm nay đã gần 60 tuổi. Hai vợ chồng đều là lao động tự do, đi làm thuê kiếm sống qua ngày và nuôi 2 đứa con trai khôn lớn. Chồng bà Lam là ông Nguyễn Phúc An trước đây làm bảo vệ cho một nhà nghỉ trên địa bàn phường Hưng Dũng, nhưng đã nghỉ việc hơn 1 năm nay do sức khỏe yếu.
Bản thân bà Ngô Thị Lam cũng ai thuê gì làm nấy. Có thời gian dài bà làm tạp vụ cho một nhà nghỉ ở phường Hưng Bình, nhưng hơn 1 năm nay bà cũng nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo nên đành ở nhà giữ cháu giúp vợ chồng đứa con trai đầu. "Cả hai vợ chồng bà đều không có lương hưu, lại gánh khoản nợ khổng lồ, bà con chòm xóm cũng như các cấp chính quyền có hỗ trợ thì cũng chỉ được phần nào đó" - bà Trần Thị Hà chia sẻ.
Chỉ cho chúng tôi hiện trạng căn nhà chỉ có 2 phòng ngủ, bà Lam cho biết vợ chồng con trai đầu phải ra thuê phòng trọ ở khối 3 để ở, bán hàng online, ai thuê thì đi đưa hàng giúp, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội nên khó khăn trong tìm việc, ngay cả con trai thứ 2 của bà Lam đang làm thuê cho một công ty tư nhân về lắp đặt camera cũng phải nghỉ việc.
Tháng 5/2020, bà Ngô Thị Lam phát hiện mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 3. “Không có tiền tích cóp, tôi phải chạy vạy vay mượn anh em, bà con để chi phí cho phẫu thuật và truyền hóa chất. Sắp tới cần mấy chục triệu để xạ trị nhưng có lẽ tôi đành bỏ cuộc vì không còn tiền. Tôi đang rao bán nhà để trả nợ mà chưa xong”.
Bà Ngô Thị Lam mong nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng, xã hội. Ảnh: Hoài Thu
Hỏi lý do vì sao lại nợ nần, bà Lam cho biết, mấy năm trước, nghe theo lời dụ dỗ của một đối tượng ở Hà Tĩnh, vợ chồng bà Lam cầm cố căn nhà cho ngân hàng để vay số tiền 500 triệu đồng chạy cho con trai đi xuất khẩu lao động với hy vọng giúp con có chút vốn làm ăn sau này.
Gạt vội những giọt nước mắt, bà Lam cho biết: “Không ngờ gặp phải đối tượng lừa đảo nên mất hết tiền, gia đình đã trình báo công an, đã có lệnh truy nã kẻ lừa đảo nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, chưa lấy lại được tiền. Hàng tháng gia đình tôi phải trả tiền lãi, tiền gốc của nợ ngân hàng. Hai đứa con cũng như vợ chồng tôi làm lụng được đồng nào là đều tích cóp để trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Giờ mắc bệnh ung thư, không còn cách nào khác là phải bán nhà để trả nợ, để có tiền chữa bệnh. Chưa bán được nhà, có lúc cùng quẫn tôi đã phải vay “nóng” để có tiền trả nợ ngân hàng và chi phí thuốc thang".
Chứng kiến cảnh người phụ nữ tay run rẩy sắp xếp lại các giấy khám bệnh, các hóa đơn mua thuốc, nước mắt rơi ướt nhòe nét mực khiến chúng tôi cũng không khỏi nao lòng, thương cảm. Bà thực sự đã thấy mình đến bước đường cùng, chỉ mong có được chỗ bấu víu, mong có phép màu nào đó xảy ra cứu vớt bà cùng gia đình thoát khỏi tình cảnh hiện tại.
Rời căn nhà của bà Lam, chúng tôi không khỏi day dứt về ánh mắt đượm buồn cùng những tiếng thở dài não nề của đôi vợ chồng già. Người phụ nữ khắc khổ mang trong mình căn bệnh quái ác nhưng lại luôn lo nghĩ về tương lai nếu mình chết đi, chồng con, các cháu sẽ sống như thế nào khi không nghề nghiệp ổn định, không chốn nương thân…