Cảng Quốc tế Cửa Lò được xác định là đầu mối Quốc gia loại I ở khu vực Bắc Trung Bộ có chức năng đón nhận, bốc xếp hàng hoá cho các tàu vận tải biển lớn trong nước và khu vực vào neo đậu.
Từ năm 2015, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc vào xây dựng bến cảng số 5, số 6 Cảng Cửa Lò tại phường Nghi Thuỷ, thị xã Cửa Lò chia thành 2 giai đoạn với tổng nguồn vốn 1.180 tỷ, quy mô diện tích 23,4 ha.
Theo đó, bến số 5, số 6 Cảng Cửa Lò được thiết kế để cùng một lúc 2 tàu có trọng tải 3 vạn tấn có thể ra, vào cập cảng. Dự án này đến nay đã được nhà đầu tư hoàn thiện, đưa vào vận hành.
Riêng khu vực hậu cần của bến đã có bãi hàng hóa 9,5 ha, bãi container rộng 1,1 ha, sức nâng dưới móc 50 tấn, tầm với tối đa 36 m, chiều cao nâng tối đa 30 m, tốc độ nâng/hạ tải 40 tấn là 50 m/phút cũng đã đi vào hoạt động.
Vậy nhưng, do hệ thống luồng lạch chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời nên nhiều tàu vận tải lớn trên 20.000 tấn muốn vào cập Cảng Cửa Lò luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ vì dễ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Đặc biệt, việc tàu cá của ngư dân địa phương luôn neo đậu “trà trộn” vào khu vực Cảng Cửa Lò dễ xảy ra va chạm với tàu vận tải, phát sinh nhiều hệ luỵ đã trở thành điểm nghẽn cho năng lực khai thác công suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đánh giá của Bộ GTVT vào tháng 9/2021 cho biết, trong 5 năm trở lại đây, mặc dù có thâm niên hoạt động từ năm 1979 đến nay, được coi là “đàn anh” trong hệ thống cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ nhưng sản lượng bốc xếp hàng hoá, đón tàu vận tải trên dưới 30 nghìn tấn vào cập bến lại bị Cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) và Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) vượt qua rất xa.
Ông Yên Văn Phúc – Phó GĐ Xí nghiệp bốc xếp Cảng Cửa Lò (Tổng Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh) cho biết, để phát huy công suất khai thác, thời gian tới rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư nạo vét hệ thống luồng lạch. Đặc biệt, cần sớm đưa tàu cá ngư dân vào khu vực neo đậu riêng để tránh va chạm với tàu chở hàng.
Từ thực trạng giảm áp lực về vấn đề liên quan đến năng lực khai thác và an toàn an ninh hàng hải, từ năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bến neo đậu tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò gồm các hạng mục như nạo vét luồng tuyến cho tàu thuyền vào nơi neo đậu, vũng neo đậu cho tàu cá số 1, số 2, khu nước và hạng mục bến neo đậu cho tàu cá.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên mãi đến năm 2018, tỉnh Nghệ An mới tiếp tục khởi động tiếp dự án này bằng việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án: Xây dựng kè chống sạt lở bờ Hữu sông Nam Cấm và nơi neo đậu tàu, thuyền phòng tránh thiên tai phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng.
Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, mặc dù các hạng mục bến cảng dành riêng cho khu vực neo đậu của tàu cá ngư dân đã hoàn thiện nhưng tình trạng tàu cá của ngư dân vẫn “bám trụ” chung với khu vực vào, ra của tàu vận tải biển vẫn tiếp diễn.
Khi được hỏi, ngư dân địa phương cho rằng, khu vực neo đậu dành riêng cho họ tàu đánh cá công suất lớn không thể vào được vì luồng lạch từ khu vực cửa biển ngược lên hướng Lạch Lò hơn 1 km quá cạn.
Trước tình trạng này, qua trao đổi với ông Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò thì được biết, vấn đề luồng lạch để tàu thuyền của ngư dân vào khu vực âu thuyền ở bến cảng cá riêng gặp khó là có thật.
“Để tạo điều kiện cho ngư dân phường Nghi Tân, Nghi Thuỷ tham gia đánh bắt thuỷ hải sản, giảm áp lực cho Cảng Cửa Lò, thị xã cũng đã đầu tư xây dựng bến cảng riêng và hiện nay đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống luồng lạch chưa được nạo vẹt nên chỉ tàu cá công suất nhỏ mới vào được khu vực bến cảng cá neo đậu. Chúng tôi đã có văn bản gửi Sở GTVT Nghệ An để kiến nghị với Bộ GTVT và các bên liên quan sớm có dự án nạo vét luồng lạch để tàu có công suất lớn có thể vào được bến neo đậu tàu thuyền mới được xây dựng tại phường Nghi Tân" - Ông Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò.
Được biết, trước đó vào ngày 13/8/2021, ông Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 36 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ QL46 đến bến số 5, bến số 6 Cảng Cửa Lò với tổng kinh phí đầu tư khoảng 205 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp khơi thông luồng lạch, phân định rạch ròi khu vực neo đậu của tàu hàng và tàu cá thì hiệu quả khai thác của cảng biển đầu mối Quốc gia loại I ở đây sẽ khó trở thành hiện thực./.