Từ miền xuôi…
Thời gian gần đây, tại các vùng quê ở huyện Nghi Lộc, có một nhóm người với những bộ đồ sang trọng, len lỏi tới các nhà văn hóa lợi dụng tư vấn, giới thiệu sản phẩm để bán thực phẩm chức năng cho người dân với giá rất cao. Để lôi kéo người dân đến với các buổi tư vấn, nhóm người này còn gửi trực tiếp đến từng hộ dân, trong đó phần lớn là các hội viên của hội người cao tuổi. Trong giấy mời ghi đây là chương trình “giao lưu, tặng quà và chăm sóc sức khỏe”. Tất cả những người đến tham gia, đều được nhận phần quà trị giá 120.000 đồng. Chính vì thế, những buổi tư vấn này đã thu hút được đông đảo bà con đến dự.
Một ngày cuối tháng 3, tại nhà văn hóa xóm Thọ Sơn, (xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc), có 2 người tự giới thiệu mình là nhân viên Công ty TNHH SX & TM Quốc tế Á Châu. Sau khi người dân có mặt khá đông, những người này liên tục công chiếu những đoạn video, hình ảnh, thuyết minh về "công dụng thần kỳ" của sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm đều được thổi phồng công dụng với những lời lẽ khẳng định “khỏi bệnh” một cách chắc nịch, khiến không ít người dân hiểu nhầm đây là thuốc.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, công ty này có địa chỉ ở một vùng quê heo hút tại tổ 4, ấp Bưng Cơ, xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai. Công ty này cũng chỉ mới được cấp phép hoạt động từ một năm trước, và kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng. Tuy vậy, nhưng các nhân viên công ty lại quảng cáo “thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh”. Theo quy định hiện hành, đây là hành vi bị cấm.
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị C. (72 tuổi, xã Nghi Vạn), cho biết, đến nay bà vẫn còn tiếc số tiền dành dụm đã bỏ ra để mua các sản phẩm này. Sau khi nghe quảng cáo, bà đã quyết định bỏ 1,5 triệu đồng để mua 3 hộp "thực phẩm bổ sung SURE PRO". "Khi mua 3 hộp này với giá 1,5 triệu đồng, chúng tôi được họ tặng thêm 3 hộp nữa và 1 lọ tinh dầu xoa bóp, đồng thời hứa hẹn sau 20 ngày nữa sẽ trở lại hoàn trả toàn bộ số tiền 1,5 triệu đồng mà tôi đã mua. Nhưng chờ mãi, đến giờ hơn 1 tháng rồi cũng chẳng thấy họ quay lại. Còn mấy hộp này tôi cũng chẳng dám mở ra uống vì con cháu khuyên can", bà C. nói. Sau khi tiếp cận được với sản phẩm thực phẩm chức năng mà người dân đã mua, phóng viên đã thực hiện quét mã vạch in trên sản phẩm, cũng như tra trên mạng thì đều nhận được kết quả là không tìm thấy sản phẩm này.
Không chỉ ở Nghi Vạn, toàn bộ 33/33 xã, thị trấn của huyện Nghi Lộc đều được nhóm này đến rồi lợi dụng chương trình trao quà để bán sản phẩm.
Ông Phan Công Văn - Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền đã yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện hội thảo tư vấn, giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Á Châu.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì, gần như ngay sau khi được thành lập ở Đồng Nai, Công ty TNHH SX & TM Quốc tế Á Châu đã có công văn về việc xin phép tổ chức hội thảo tư vấn, giới thiệu sản phẩm gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An. Chi cục sau đó đã có công văn trả lời với nội dung các sản phẩm này đã đủ điều kiện lưu hành trên thị trường, đồng thời đề nghị công ty trực tiếp liên hệ với chính quyền các địa phương nơi tổ chức và thực hiện theo đúng với quy định trong Luật Quảng cáo.
Mặc dù mới chỉ được phép tổ chức hội thảo tư vấn, giới thiệu sản phẩm nhưng phía công ty sau đó đã dụ dỗ người dân mua hàng. Theo quy định, các đơn vị được phép giới thiệu sản phẩm nhưng không được bán, bởi vì cần phải có thời gian để người dân tìm hiểu thông tin sản phẩm.
…lên miền ngược
Không chỉ khiến các vùng quê dưới xuôi nháo nhác, nhóm người chuyên đi bán thực phẩm chức năng còn lên tới các khu vực vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, để bán hàng giá cao với hình thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giới thiệu sản phẩm miễn phí.
Tại xã Lưu Kiền (Tương Dương), một ngày cuối tháng 2, nhóm 3 người đến từ các tỉnh phía Nam tự giới thiệu là nhân viên Tập đoàn BTH, đi thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giới thiệu sản phẩm miễn phí. Đối tượng nhắm đến của nhóm người này chủ yếu là người già và phụ nữ. Họ len lỏi đến từng nhà, bắt đầu thổi phồng các công dụng của các loại thực phẩm chức năng mang theo.
“Đầu tiên là họ đánh vào tâm lý, nói rằng người dân miền núi vất vả, phải đi rẫy nhiều nên nhanh thoái hóa xương khớp và gặp nhiều căn bệnh nguy hiểm khác”, một phụ nữ từng bỏ số tiền lớn mua thực phẩm chức năng kể và cho hay, nhóm người trên còn quảng cáo là những mặt hàng của họ “chữa được bách bệnh”, thậm chí cả Covid-19. Dù trên thực tế, đây chỉ là thực phẩm chức năng, không có tác dụng chữa bệnh như thuốc.
Với mánh khóe cũ, nhóm người này bán hàng dưới vỏ bọc “chương trình từ thiện”. Ban đầu, các nhân viên bán hàng này tuyên bố chỉ bán 1 hộp thuốc với giá 30 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng và hỏi người dân ai đồng ý mua thì giơ tay. Với những người đầu tiên đăng ký mua, còn được tặng kèm các sản phẩm khác như tinh dầu sả chanh, tinh dầu xoa bóp… Sau đó, nhóm người này bắt đầu đưa ra các sản phẩm khác và nâng giá lên tiền triệu.
Không chỉ ở Lưu Kiền, nhiều người dân ở các xã khác cũng phản ánh từng bị nhóm người với vỏ bọc làm từ thiện này lừa mua thực phẩm chức năng với giá cao. Một phụ nữ tại xã Tam Quang kể, sau khi nghe quảng cáo, bà đã mua cao nấm đông trùng hạ thảo hồng sâm Nano Curcumin Bảo An (được tặng 1 lọ tinh dầu xoa bóp An Mộc Đơn) trị giá 1.400.000 đồng. Tuy nhiên, sử dụng được một buổi thì bị đau bụng dữ dội nên không dám dùng tiếp. Nhiều người khác mua về, vì thế cũng chẳng dám sử dụng.
Ông Vang Kiên Cường - Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền cho biết, nhóm người này lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào thiểu số để lừa bán các sản phẩm với giá cao. Sau khi nhận được tin báo từ người dân, lực lượng công an xã đã mời nhóm này lên làm việc, sau đó đẩy đuổi ra khỏi địa bàn. "Thông qua các kênh tuyên truyền của xã, chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân về việc các nhóm đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi nên chúng sẽ tìm mọi cách qua mặt các lực lượng chức năng, vì thế mong bà con nhân dân hãy nâng cao cảnh giác. Nếu xuất hiện các đối tượng tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu sản phẩm thì cần báo ngay cho công an sở tại để có biện pháp xử lý kịp thời, không để bị mắc lừa, tiền mất tật mang...", ông Cường nói./.