Dù người dân đã gửi rất nhiều đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng cho đến nay bãi rác vẫn tồn tại, chưa thể giải quyết.
 
Dân bỏ ruộng do rác ô nhiễm
 
Dẫn chúng tôi vào bãi rác rộng hàng chục ngàn m2, được chất đống cao với đủ các loại, ông Bùi Ngọc Hoàn (SN 1962), trú xóm Đông Quang, xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An lắc đầu ngao ngán. Ông Hoàn cho hay, bãi rác này bắt đầu xuất hiện vào năm 2014, dù chưa được chục năm nhưng đã vô cùng ô nhiễm.
 
“Thời điểm đó, gia đình tôi đang canh tác khoảng 3 sào ruộng lúa. Thế nhưng chỉ hơn 1 năm sau khi có bãi rác thì chúng tôi không thể làm ruộng được nữa bởi ô nhiễm. Thậm chí lúa khi làm ra lại không thể ăn được vì hạt gạo xay ra có mùi hôi, không ai dám ăn. Cực chẳng đã, chúng tôi phải bỏ ruộng không dám cấy lúa, chuyển sang trồng keo để không bỏ phí đất”, ông Hoàn nói.
 

Nước từ bãi rác chảy ra khiến đồng ruộng của người dân bị ảnh hưởng.
 
Theo người dân địa phương, trước khi quy hoạch bãi rác ở đây, mọi người nghe nói các phế liệu sẽ được xử lý bằng công nghệ cao. Thế nhưng khi đưa vào sử dụng, cách thức xử lý duy nhất là đốt cháy. Chỉ trong vài năm, bãi rác trở nên quá tải. Cũng vì vậy, mùi hôi và mùi khói bay thẳng vào nhà dân khiến mọi người vô cùng khó chịu.
 
Chỉ vào những hố được xây dựng lên xung quanh để đựng nước thải, ông Hoàn khẳng định thực tế chỉ đựng… nước mưa. Điều đáng nói, hệ thống nước rỉ đen kịt của bãi rác chảy lênh láng khắp nơi và tập trung xuống một con mương rồi chảy ra môi trường xung quanh, sau đó tuồn ra sông Hiếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
 
Dòng nước đen kịt từ rác thải.
 
“Người dân xung quanh bãi rác phải sống chung với ô nhiễm môi trường, ruồi nhặng bám đầy nhà, mùi hôi thối nồng nặc cả ngày lẫn đêm. Chính quyền không có biện pháp giải quyết dứt điểm, nên người dân đành phải sống chung với ô nhiễm”, ông Hoàn cho biết thêm.
 
Ông Trần Văn Quyền (SN 1965), trú xóm Đông Quang, xã Đông Hiếu bức xúc: “Mấy năm qua, chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị xử lý tình trạng ô nhiễm này lên chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Còn người dân ngày đêm vẫn phải chịu cảnh bãi rác hành hạ, đi không được mà ở lại cũng không xong”.
 
 
Hố đựng nước thải không có tác dụng.
 
Đi không được, ở cũng không xong
 
Được biết, bãi rác này có vị trí tại địa bàn khối 3, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa (trước đây là xóm 4, xã Nghĩa Hòa cũ). Đây là địa bàn có một bộ phận dân cư xóm Đông Quang, xã Đông Hiếu sinh sống. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện bãi rác nhiều người dân đã phải đi nơi khác do không chịu được mùi ô nhiễm.
 
Đặc biệt, vào ngày 23/5 vừa qua, bãi rác tiếp tục được xử lý bằng hình thức đốt cháy dẫn đến khói và mùi hôi bay khắp nơi. Vì vậy, người già và trẻ nhỏ phải rời nhà đi nơi khác đến tối mới dám trở về.
 
 

 
Bãi rác đã quá tải chỉ sau vài năm.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Chí Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa xác nhận, người dân đã gửi đơn kiến nghị xử lý tình trạng ô nhiễm này lên chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm.
 
“Chúng tôi cũng biết về nỗi khổ của người dân, đặc biệt là những hôm nắng nóng. Thế nhưng, kinh phí của chính quyền thị xã cũng có hạn nên chúng tôi chỉ còn cách báo cáo lên UBND tỉnh Nghệ An để tìm phương án giải quyết”, ông Kiên nói.
 
Vào năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải Thái Hòa trên diện tích hơn 75.000m2 (tọa lạc tại xã Nghĩa Hòa cũ, nay là khối 3, phường Long Sơn) với chức năng là nhà máy xử lý chất thải rắn cho thị xã Thái Hòa và vùng phụ cận.
 
Theo quyết định này, dự án sẽ được khởi công trong quý I/2018 và xây dựng hoàn thành dự án đưa vào hoạt động trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 03/11/2017 (tức đến ngày 03/11/2019 dự án phải hoàn thành và đi vào hoạt động). Thế nhưng, đến ngày 25/12/2018, UBND tỉnh Nghệ An mới ra Quyết định số 5701/QĐ.UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy. Tính chất, chức năng là nhà máy xử lý chất thải rắn cho thị xã Thái Hòa và vùng phụ cận.
 

 
Dự án vẫn chưa được triển khai nên người dân vẫn phải chịu ô nhiễm.
 
“Cho đến thời điểm hiện nay dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng. Nguyên nhân là do đang điều chỉnh lại dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thành lập hội đồng bồi thường để triển khai bồi thường, chi trả cho người dân. Chúng tôi đang đốc thúc dự án này càng nhanh, càng tốt. Nhà đầu tư cũng cam kết đã chuẩn bị sẵn tài chính sau khi xong thủ tục sẽ bắt tay vào triển khai”, ông Kiên nói./.