Thời điểm này, bà con nông dân tỉnh Nghệ An đang bước vào chính vụ thu hoạch lúa xuân, niềm vui được mùa rộn ràng khắp các vùng quê. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân tập trung phơi phong lúa, rơm sau thu hoạch.
Mặc dù vậy, bên cạnh nhiều hộ gia đình phơi tại sân nhà thì có rất nhiều người mang lúa ra các tuyến Quốc lộ, đường liên huyện để phơi lúa, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường.
Theo ghi nhận của P.V, trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu nối dài đến các xã Diễn Trường, Diễn Yên, Diễn Hồng (Diễn Châu) những ngày này bị nhiều hộ dân chiếm dụng thành nơi phơi lúa. Đây là tuyến đường huyết mạch có lượng xe cộ lưu thông lớn nên đã gây nhiều khó khăn cho người đi đường.
Anh Nguyễn Quang Lâm - tài xế xe khách Bắc - Nam cho biết: "Việc bà con đưa lúa, rơm ra Quốc lộ để phơi diễn ra nhiều năm nay rồi, mặc dù rất thông cảm với bà con nhưng cũng rất nguy hiểm cho cánh tài xế chúng tôi. Mỗi lần đi qua đều phải cẩn trọng, vừa điều khiển xe không đè lên lúa của bà con, vừa phải né các vật cản để tránh tai nạn. Nhiều hôm giờ tan tầm, tuyến đường tắc nghẽn vì phải tránh các điểm phơi lúa hoặc chờ bà con cào, dọn xong mới dám đi qua...".
Tại tuyến Quốc lộ N2, đoạn nối với Quốc lộ 1A cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo quan sát, 2 bên đường đều bị người dân trải bạt để phơi lúa, kéo dài hơn 1 cây số, chỉ để lại một lối đi nhỏ ở giữa. Điều đáng nói, đây là tuyến đường chuyên chở nguyên, vật liệu phục vụ cho thi công cao tốc Bắc - Nam, do đó, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như chính bà con nông dân đang phơi lúa trên đường.
Ông Hoàng Công Trường - Chủ tịch UBND xã Diễn An cho biết: "Từ khi tuyến Quốc lộ N2 hình thành đã xuất hiện tình trạng bà con mang lúa ra phơi mỗi khi đến mùa vụ. Thực tế xã đã chỉ đạo tuyên truyền trên loa phát thanh, giao nhiệm vụ cho ban cán sự các xóm quán triệt bà con không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để phơi lúa, tuy nhiên, một số vẫn không chấp hành. Địa phương cũng đã lập biên bản nhắc nhở một vài hộ dân, chưa xử phạt, vì đây cũng là vấn đề phải giải quyết hài hòa, hợp lý. Nếu tái phạm nhiều lần địa phương sẽ tiến hành xử phạt theo quy định".
Được biết, mỗi khi có đoàn xe chở nguyên liệu cho thi công cao tốc Bắc - Nam, xã Diễn An đều thông báo rộng rãi giờ xe chạy để bà con được biết để thu dọn lúa cũng như không để xảy ra các trường hợp tai nạn.
Không chỉ nông thôn mà ở thành phố Vinh vẫn xuất hiện tình trạng người dân chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để thành sân phơi lúa. Theo thống kê, toàn thành phố có 1.600 ha lúa xuân, tập trung ở các xã vùng ngoại thành như Hưng Hòa, Hưng Lộc, Nghi Liên, Hưng Chính và một số phường như Hưng Dũng, Đông Vĩnh. Do quỹ đất eo hẹp, nhiều hộ gia đình đã lợp tôn ở sân nên bà con thường mang lúa ra phơi trên nhiều tuyến đường, đặt nhiều vật cản, gây nguy hiểm cho người đi đường. Hiện thành phố cũng đã chỉ đạo các phường, xã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân tuyệt đối không chiếm dụng lòng, lề đường để phơi lúa.
Tình trạng các hộ dân biến đường thành nơi phơi lúa không phải là mới trong những năm qua nhưng luôn nóng vì thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi va chạm với các vật cản như gạch, đá, bảng biển, thân cây... Nghiêm trọng hơn, tại một số tuyến đường, bà con ngoài phơi lúa cũng phơi rơm rạ, dễ bắt lửa trong thời tiết nắng nóng, tiềm ẩn hỏa hoạn.
Mới đây nhất, vào ngày 15/5 vừa qua, trên tuyến Quốc lộ 46, đoạn qua xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, xe ô tô Toyota Altis đã bị bốc cháy dữ dội sau khi đi qua đoạn đường phơi rơm rạ, gây thiệt hại nặng nề cho gia chủ. Các năm trước, tình trạng xe cháy vì bị cuốn rơm vào gầm cũng đã xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, việc phơi phong lúa, rơm sau khi thu hoạch là nhu cầu chính đáng của bà con nông dân. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc, tính toán địa điểm, thời gian phơi hợp lý để không ảnh hưởng đến giao thông, sự an toàn của người đi đường.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định 46/2014 ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cá nhân, tổ chức có hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ có thể bị phạt tiền từ 100.000 đến 400.000 đồng; bị buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, Điều 261, Bộ Luật Hình sự 2015, có khung hình phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc bị phạt tù từ 03 - 07 năm; trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù./.