Điều không thể tin nổi!

Như chúng tôi đã đưa tin trong số báo điện tử ra ngày 25/11/2021 về việc “trộm đất rừng” đặc dụng để san lấp mặt bằng tái định cư là một sai lầm nghiêm trọng vì đất rừng đặc dụng được tỉnh giao cho BQL rừng phòng hộ huyện Nam Đàn và UBND xã Thượng Tân Lộc trực tiếp quản lý, nhưng điều không thể tin nổi là hàng ngàn mét khối đất bị hàng chục chiếc xe mang đất đi cả ngày đêm mà chính quyền địa phương như “ngủ quên” cho đến khi dân phản ánh lên huyện khi đó mới “tỉnh” thì đã quá muộn.

mh3-1638349741-1638428145.jpg
Ngọn núi bị đất tặc "trộm" mang đi bán

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường nói: “Khi nhận được tin báo thì chúng tôi đã có mặt phối hợp cùng bên Công An huyện, UBND xã Tân Thượng Lộc và các phòng ban liên quan để lập biên bản, liên quan đến đất đai nên chúng tôi rất quyết liệt, tuy nhiên xử lý và vào cuộc triệt để hay không lại là phía Công An huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ và xã. Bây giờ ở xã cũng đã có Công An chính quy rồi, Chủ tịch xã là người chịu trách nhiệm trực tiếp và bên Ban Quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn quản lý rừng nên việc xử lý là do hai bên đó”.

Khu vực bị “trộm” đất kéo dài dưới chân núi Quải Bát, thuộc dãy núi Thiên Nhẫn có ngôi đền nhỏ Thống Chinh thờ Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng người đã làm rạng danh cho vùng đất xứ Nghệ. Phía trước là dòng Sông Lam uốn lượn... trải qua hàng trăm năm ngôi đền vẫn đứng vững trong cảnh mua bom, bão đạn, cho đến hôm nay ngôi đền vẫn vững vàng uy nghi. Khi đứng dưới chân đền chúng tôi nhìn lên không khỏi xót xa, cảnh đẹp vốn có nay đã không còn sự an toàn của ngôi đền cũng bị đe dọa khi phía sau ngôi đền bị “trộm” đào một mái ta luy cao hàng chục mét?

Chị Hoàng Thị Lan - chuyên viên phòng Văn Hoá huyện Nam Đàn cho biết: “Khi nhận được thông tin thì sở Văn hoá tỉnh Nghệ An đã về đây phối hợp với phòng Văn hoá huyện đến kiểm tra hiện trạng. Bây giờ phía đơn vị thi công cũng không thể trả lại hiện trạng như ban đầu, về lâu dài nếu mưa xuống có thể gây sạt lở nên chúng tôi đã có công văn đề xuất là phải san bằng phía sau đền và trồng thêm cây xanh để giữ đất, nếu không thì sẽ ảnh hưởng nặng nề tới ngôi đền này”.

mh1-1638349846-1638428193.jpg
Biên bản của Ban quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn

Những con số không thể ngờ

Sau khi nắm được thông tin nhân dân phản ánh, UBND huyện Nam Đàn lập biên bản xử kiểm tra vào ngày 11/11/2021 và cũng đã có báo cáo số 3342/UBND-TN ngày 23/11/2021 về việc khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Tân Thượng Lộc, trong báo cáo thì vị trí khai thác: Theo bản đồ đo đạc địa chính năm 2009 của (xã Nam Lộc cũ) thuộc thửa 293, tờ bản đồ số 04, diện ích 27,755m2, (diện tích khai thác khoảng 2000m2) và cũng theo Quyết định số 48/QĐ.UBND ngày 15/8/20014 của UBND tỉnh Nghệ An, về việc quy hoạch ba loại rừng. Chủ quản lý BQL rừng đặc dụng Nam Đàn. UBND huyện Nam Đàn đã có công văn số 327/UBND.TNMT chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan xuống để xử lý. Tuy nhiên tại công văn số 168/RĐD-QLBVR của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn ghi rõ: “Ngày 14/11/2021, BQL rừng đặc dụng Nam Đàn tiến hành xác minh và đo đạc diện tích rừng đã bị khai thác trái phép trên địa giới hành chính xã Thượng Tân Lộc.

Kết quả xác minh căn cứ bản đồ quy hoạch ba loại rừng (Theo quyết định số 482014/QĐ-UBND ngày 15/08/2014 của UBND tỉnh Nghệ An), diện tích đất rừng đã bị khai thác trái phép: 0,2ha diện tích đất rừng sản xuất thuộc lô 2- Khoảnh 7- TK 1018, BQL rừng đặc dụng Nam Đàn đã tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động thế nhưng đơn vị thi công vẫn tổ chức khai thác đất trái phép vào ban đêm và không có động thái dừng lại. Trong buổi phỏng vấn với, ông Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Nam Đàn. Nhà thầu thi công lấy đất san lấp không đúng theo hợp đồng, việc quản lý vật liệu đầu vào, quản lý chất lượng công trình, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Ông Chính cho biết: “Việc đơn vị thi công lấy đất không đúng điểm mỏ như cam kết trong hợp đồng trúng thầu thì chúng tôi đang kiểm tra, nhưng nếu sự việc như vậy là không đúng quy định, tuy nhiên chúng tôi chỉ kiểm tra tại công trình, nếu “đất đạt” thì mới được, nếu không đạt thì yêu cầu đơn vị thi công phải khắc phục và xúc hết số đất đó đi nơi khác, còn về hoá đơn để thanh toán thì chúng tôi không biết”.

mh-5-1638349939-1638428228.jpg
Ngôi đền Thống Chinh thuộc di tích văn hoá bị ảnh hưởng phía sau

Một công trình tái định cư của UBND huyện Nam Đàn, có tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng, phần san nền với dự toán 2,978,376,407 ngàn đồng. Mặc dù Chủ đầu tư biết là đơn vị thi công làm sai với hợp đồng vậy mà chủ đầu tư “cố tình” buông lỏng công tác quản lý, để nhà thầu thi công “đổ hàng ngàn mét khối đất trộn” xuống dự án. Nếu theo quy trình quản lý chất lượng thì tất cả các vật liệu đầu vào đều phải được lấy mẫu để thí nghiệm (lưu mẫu) và phải có nguồn gốc xuất xứ theo hợp đồng, đơn vị thi công phải tiến hành tổ chức nghiệm thu nội bộ đạt rồi tiến hành lập phiếu yêu cầu nghiệm thu gửi đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư trước 24h để tiến hành nghiệm thu công việc, đồng thời tiến hành lấy mẫu thí nghiệm theo quy định...quy trình quản lý chất lương là vậy nhưng đơn vị tư vấn ở đâu? Chủ đầu tư ở đâu? Để cho đơn vị thi công “tự đá bóng, tự thổi còi” như vậy?

Luật đất đai quy định những sai phạm liên quan đến đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, Luật xây dựng quy định như thế nào? ai là  người chịu trách nhiệm? Mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo trên tạp chí Doanh nghiệp kinh tế xanh để biết thêm ý kiến của luật sư về sự việc này./.