Xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là nơi có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Cũng như các địa phương khác, người Thái ở đây tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ rất sôi nổi. Mâm cỗ được bày biện chu đáo để dâng cúng. Tùy theo từng dòng họ, các món ăn có thể khác đôi chút nhưng cá vẫn là món chủ đạo trên mâm. Người Thái ở Tiên Kỳ tin rằng, trong thời tiết nắng nóng, khô hạn như vậy, việc cúng dâng trời đất, tổ tiên món cá sẽ được phù hộ cho mưa thuận, gió hòa để vạn vật tươi tốt.
Trong căn nhà bà Vi Thị Niềm ở xóm 1 (xã Tiên Kỳ), đúng 10 giờ sáng ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch), anh em, con cháu chúc nhau mọi điều tốt đẹp. Bà Niềm giục con cháu phải xong bữa ăn trước 12 giờ trưa, bởi đây là thời khắc quan trọng nhất của ngày Tết Đoan Ngọ.
Bà giải thích: “Đối với người Thái ở đây, đến 12 giờ trưa nhà nhà đều phải ngưng hết mọi hoạt động để lên rừng hái thuốc về phơi uống. Chỉ có giờ ấy cây thuốc mới phát huy hết tác dụng và tất cả mọi chất độc trong cây đều tiêu tan hết. Cha ông chúng tôi truyền lại từ đời này sang đời khác như vậy rồi nên đến giờ con cháu vẫn theo vậy”.
Bà Niềm kể rằng, ngày trước, khi còn nhỏ, cứ đến giờ Ngọ ngày 5/5 là bà lại theo chân các bà, các mẹ trong làng lên khu rừng thấp hái cây thuốc. Tuy nhiên, bây giờ lớp trẻ không còn mặn mà với phong tục này nữa. Nhiều người thậm chí còn không biết lấy tên một loại cây để có thể hái về dùng. Theo bà, các loại cây được lấy vào giờ ấy khi phơi khô rồi nấu lên uống thay nước có thể chữa được bệnh đau mỏi lúc lao động hay các bệnh về tiêu hóa và an thần.
Quả vậy, đúng 12 giờ trưa, bà Niềm cùng các cụ khác trong làng tụ tập tại địa điểm đã hẹn sẵn và bắt đầu xuất phát về phía khu rừng thấp phía trước mặt. Trời nắng như thiêu đốt nhưng mọi người đều rất hào hứng. Người mang dao, người mang bế, tiếng nói cười vang cả xóm làng.
“Những loại cây thuốc này chỉ mọc ở rừng thấp, còn trên các khu rừng rậm và cao không có. Trước đây các cụ truyền tai nhau rằng, vào giờ Ngọ ngày 5/5, tất cả các loại cây trên rừng đều không có độc, kể cả lá ngón (!!!). Đó là các cụ nói cho con cháu yên tâm vậy thôi chứ từ trước tới nay cũng chưa bao giờ thấy ai mạo hiểm hái các loại cây không rõ nguồn gốc và tác dụng về để làm thuốc cả” - một cụ bà cao tuổi chia sẻ với chúng tôi.
Đặt chân đến khu rừng, mọi người xúm nhau lại chặt từng nắm lá thuốc bỏ vào bế. Chúng tôi chỉ biết những loại cây nhìn quen thuộc, còn nhiều loại thì chịu, đành nhờ các mẹ giảng giải. Những cây “cầu thàn”, “tạng nạo”… mà bà Niềm nói đến đều có tác dụng tốt trong việc giúp cơ thể khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ yên. Tổng cộng có đến 50-60 loại cây được chặt về chất đầy trong bế. Buổi hái thuốc chỉ diễn ra trong khoảng thời gian chừng 2 giờ đồng hồ, bởi đây là thời khắc quyết định chất lượng của cây thuốc.
Các loại cây được mang về chặt ra thành từng khúc từ 5-10 cm rồi mang phơi khô để dành uống trong năm. Trong nhà bà Vi Thị Niềm còn dư một ít thuốc của năm ngoái, bà mang ra rửa sạch rồi nấu lên mời khách. Nước lá cây có màu đỏ hồng như nước chè khô, vị hơi chát nhưng rất thơm. Bà Niềm bảo rằng: Những năm hái được nhiều, bà còn gửi đi các nơi cho con cháu dùng để uống. Đây là món quà quý của quê hương, rừng núi ban tặng cho con người nên phải được trân trọng.
Những gì tai nghe mắt thấy khiến chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Tuy chưa được kiểm chứng về tác dụng của thuốc nhưng theo những gì người dân nơi đây cho biết thì từ trước đến nay chưa có ai bị ảnh hưởng sức khoẻtừ việc uống thuốc cây rừng này./.