Ngày đầu TP.HCM cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, một số hàng quán bắt đầu dọn dẹp, nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa.
Ngày đầu TP.HCM cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, một số hàng quán bắt đầu dọn dẹp, nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa.
Ngày 9/9, sau khi được TP.HCM đồng ý cho các loại hình kinh doanh ăn uống được mở cửa theo hình thức bán hàng mang đi, theo ghi nhận của PV, nhiều quán sá chưa mặn mà, nơi thì đang dọn dẹp lại quán, nơi cửa đóng im ỉm.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông quán ăn trên các địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức… vẫn không mấy mặn mà mở cửa, nơi thì đang dọn dẹp lại quán, nơi thì cửa đóng im ỉm.
Quán bún bò Huế Xưa trên đường Phạm Văn Đồng, cửa vẫn đóng cửa mặc dù TP.HCM đã cho phép các quán ăn, đồ uống mở cửa trở lại sau nhiều tháng bị đóng cửa.
Tương tự tại những quán cơm gần các trường đại học lớn trước kia rất nhộn nhịp, nay vẫn im lìm
Một cửa hàng bán bánh mì, thức ăn nhanh trên đường Phạm Văn Đồng... hoạt động, các tài xế GrabFood đến mua thức ăn, giao cho khách hàng.
Theo đa số các chủ quán, việc chưa mở cửa lại do mới nhận được thông tin, bên cạnh đó, việc chuẩn bị các nguyên vật liệu để buôn bán rất khó khăn, giá cả cao... nên chưa mặn mà với việc mở quán lại
Đang dọn dẹp quán để chuẩn bị hôm sau buôn bán lại, chị Tuyền (chủ tiệm phở) trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức cho biết, việc mua nguyên vật liệu rất khó khăn. May mắn cho chị khi các mối hàng cũ vẫn còn nên chị đang dọn dẹp quán để hoạt động trở lại từ ngày mai 10/9.
Cũng như chị Tuyền, chị Kha (chủ quán ăn) trên đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh đang tất bật dọn dẹp, rửa lại bàn ghế để ngày mai buôn bán lại. "Do quán sá để lâu ngày, bụi phủ đầy bán ghế, chén... nên sau khi hay tin TP.HCM cho phép mở cửa hàng, tôi cùng gia đình vội đưa bàn ghế ra ngoài rửa cho sạch sẽ. Ngoài việc mua các nguyên vật liệu để bán, chúng tôi còn chuẩn bị thêm khẩu trang cho shipper, nước rửa tay... chung tay phòng chống dịch Covid-19", chị Kha nói.
Tại quán cơm niêu Việt trên đường Nguyễn Gia Trí, phường 25 các nhân viên đang chuẩn bị nguyên liệu để chuẩn bị nấu thức ăn. Được biết, bếp ăn quán này trước đó phục vụ cho việc nấu từ thiện.
Quán bún đậu mắm tôm cùng cơm, bún chả... trên đường Nguyễn Gia Trí vẫn cửa đóng im ỉm.
Hôm qua, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6h đến 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21/8 của UBND TP.HCM. Điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.