hoadondientu1-16680597126831926982700-1668130982.jpg
Ngành thuế tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn hành vi trục lợi

Nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế

Quá trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 và tiếp tục triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành thuế không ngừng cải tiến, nâng cấp, đầu tư các phương thức, công cụ quản lý thuế hiện đại.

Việc tăng cường công tác hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế đã không chỉ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận, thực hiện các thủ tục hành chính về thuế ngày càng thuận lợi, dễ dàng hơn mà còn giúp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng liên quan phân tích, đánh giá những rủi ro tuân thủ của người nộp thuế mà còn góp phần phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế và hóa đơn.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Thuế về các biện pháp nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế, gian lận hoá đơn... nhằm trục lợi bất chính. Nhờ đó, tạo sự răn đe, cảnh tỉnh cho các đối tượng và củng cố, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người dân, DN và góp phần hình thành thói quen mua hàng hóa dịch vụ phải lấy hóa đơn, từ ngày 1/7/2022, Tổng cục Thuế triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc với việc toàn bộ các tổ chức, DN chuyển sang sử dụng HĐĐT. Toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký cũng chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT theo quy định.

Tổng cục Thuế xác định việc tổ chức HĐĐT là một cấu phần quan trọng trong đề án lớn nhằm tập trung cơ sở dữ liệu lớn (big data) về HĐĐT đưa về cơ quan thuế để phục vụ cho công tác quản lý thuế theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Song song với đó, ngành thuế triển khai chương trình "Hóa đơn may mắn" để từ đó người tiêu dùng thực hiện quyền giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN và người bán hàng.

Kiên quyết xử lý hành vi trục lợi trong lĩnh vực thuế

Thực tế cho thấy hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước để trục lợi vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, nhất là đối với các hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước.

Để tiếp tục đấu tranh, phòng ngừa gian lận về hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan thuế địa phương tiếp tục quán triệt toàn bộ các đơn vị và công chức thuộc phạm vi quản lý cần nâng cao nhận thức trong công tác quản lý hóa đơn phòng chống gian lận hóa đơn, đặc biệt là công chức được giao nhiệm vụ chuyên quản người nộp thuế để kịp thời thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý thuế theo đúng quy định.

Đẩy mạnh áp dụng quy định về phân loại mức độ rủi ro

Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế căn cứ quy định pháp luật và thực tế tình hình quản lý thuế trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số nội dung sau.

Thứ nhất, tổ chức giao nhiệm vụ tới từng công chức, từng đội, từng phòng chức năng, định kỳ hàng ngày tiến hành rà soát trên hệ thống HĐĐT để kịp thời phát hiện người nộp thuế có rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn, trường hợp phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu bất thường trong việc xuất hóa đơn thì kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thuế trong việc xác minh hóa đơn, phân công, xử lý, phê duyệt, trả lời yêu cầu xác minh hóa đơn, cảnh báo rủi ro, kịp thời xem xét, xử lý vi phạm trong hoạt động mua bán hóa đơn trái phép.

Thứ ba, đẩy mạnh áp dụng quy định về phân loại mức độ rủi ro theo quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để có các biện pháp xử lý phù hợp đối với những DN có rủi ro. Thực hiện lập danh sách người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế để thực hiện quản lý thuế theo quy định, đặc biệt lưu ý giám sát trọng điểm các DN có nhiều yếu tố rủi ro cao.

Thứ tư, trong quá trình rà soát, xác định DN có rủi ro cao, cơ quan thuế cần tiếp tục chủ động và kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn như cơ quan Công an, Kế hoạch và Đầu tư... để xử lý ngay những vi phạm trong hoạt động mua bán hóa đơn trái phép./.

Trước đó, tại sự kiện kích hoạt hệ thống HĐĐT áp dụng trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị triển khai HĐĐT phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn; thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế. Đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế và thúc đẩy quản lý thuế đối với thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới.

Thuế là lĩnh vực quan trọng của tài chính quốc gia, liên quan trực tiếp đến người dân, DN. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực này mang lại rất nhiều lợi ích trong công tác quản lý cũng như cho người dân, DN, không chỉ bảo đảm thu đúng, thu đủ, tiết giảm chi phí xã hội, mà còn tăng cường tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực... trong quá trình thu thuế.