Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề trên cũng rất được quan tâm; đồng thời đưa vào nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi ngày trên thế giới có gần 48.000 trẻ em gái, trong đó nhiều em mới có 10 tuổi bị ép buộc hôn nhân và mỗi ngày cũng có khoảng 20.000 nữ giới dưới 18 tuổi sinh con. Tại Việt Nam, tảo hôn cũng là một vấn nạn được quan tâm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo kết quả khảo sát năm 2019, tình trạng tảo hôn ở người dân tộc thiểu số là 21,9%. Tất cả 53 dân tộc thiểu số đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 dân tộc tỉ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông (51,5%), Cờ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%). Cá biệt có dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội rất khó khăn tỉ lệ tảo hôn cao tới 50 - 60% như: Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Bru Vân Kiều... Đáng nói, tảo hôn gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý và đời sống con người.

Thống kê cho thấy, trong số các trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống, có 25% bị bệnh, 50% mang gen bệnh về tan máu bẩm sinh di truyền và hiện bệnh này chưa có phương pháp điều trị khỏi. Việt Nam hiện có hơn 5 triệu người mang gen bệnh về tan máu bẩm sinh được xếp vào khu vực có nguy cơ cao. Và tỉ lệ mang gen bệnh cao chủ yếu tập trung ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Đáng lo ngại là căn bệnh này di truyền cho các thế hệ sau, làm suy thoái giống nòi và trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội.

r-1707138945.jpg
 

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo: Về tinh thần và thể chất, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây những tác động rất tiêu cực tới phụ nữ. Khi tảo hôn, trẻ em gái sẽ bị sốc tâm lý, có thể bị trầm cảm, rối loạn tâm thần do bất đồng về quan điểm sống, thậm chí dẫn tới bạo lực gia đình. Về thể chất, cơ thể của các em gái tảo hôn chưa phát triển hoàn thiện, toàn diện, đặc biệt là cấu trúc cơ quan sinh sản nên dễ gặp biến chứng như sảy thai, sinh non, thai lưu, mang thai có dị tật bẩm sinh. Khi mang thai như vậy sẽ có nhiều nguy cơ, rủi ro sức khỏe cho bà mẹ như tử vong, khi sinh có thể xảy ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Bệnh tật, không có cơ hội lao động là một nguyên nhân dẫn tới đói nghèo trong ương lai.

Bởi vậy, để giải quyết tình trạng tảo hôn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành luật và chính sách, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Trẻ em (2016) và Chương trình Quốc gia nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn 2015-2025. Tuy nhiên, ở cấp độ cộng đồng, các chuẩn mực truyền thống và phong tục vẫn cho phép nữ giới dưới 18 tuổi kết hôn nếu có sự đồng ý của cha mẹ và đây được coi là một yếu tố liên quan tới văn hóa địa phương. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân được coi là giải pháp giải quyết tận gốc tình trạng tảo hôn.

Phát triển mô hình, cách làm hay để ngăn ngừa tảo hôn

Hiện nay, Hà Nội còn 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại các huyện: Ba Vì (7 xã), Thạch Thất (3 xã), Quốc Oai (2 xã), Chương Mỹ (1 xã), Mỹ Đức (1 xã). Trong đó, nhiều xã còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Đây là một trong những yếu tố dẫn tới thực trạng còn tồn tại tập tục lạc hậu trong sinh đẻ “con đàn, cháu đống”, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhằm từng bước khắc phục vấn đề trên, từ năm 2016, Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội đã triển khai mô hình “Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Là một trong 5 đơn vị trên địa bàn thành phố được lựa chọn triển khai mô hình, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Quốc Oai đã tổ chức thực hiện mô hình tại 2 xã Đông Xuân và Phú Mãn. Đây là 2 xã miền núi, có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông, là những xã cách xa trung tâm huyện, đường xá đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, trình độ dân trí còn chưa cao.

Triển khai mô hình, huyện Quốc Oai đã có nhiều buổi tập huấn, truyền thông về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn xã cho các lãnh đạo, cán bộ chuyên trách, tư vấn viên; nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giảm thiểu vấn nạn tảo hôn. Tại 2 xã triển khai mô hình cũng tích cực đưa tin, bài tuyên truyền trên hệ thống phát thanh xã về nội dung hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho các gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, các gia đình có nguy cơ kết hôn cận huyết thống cao. Ngoài ra, công tác khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cũng được đẩy mạnh.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, việc tuyên truyền sâu rộng, kịp thời những tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tới đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn không thể làm ngày một ngày hai mà cần phải thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để họ tự chuyển đổi hành vi.

Trong đó cán bộ xã luôn phải tiên phong tuyên truyền cho anh em, con cháu, họ hàng không tảo hôn, thực hiện nghiêm túc chính sách dân số để làm gương cho những người dân khác; xây dựng hương ước, quy ước thôn bản đủ tính pháp lý và các quy định xử phạt cụ thể, cùng thống nhất quan điểm để nhân dân thực hiện, nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc nói riêng và chất lượng dân số Thủ đô nói chung.

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhất là đối với các vùng dân tốc thiểu số, cần sự vào cuộc của Ban Dân tộc, các sở, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội chỉ đạo hệ thống Mặt trận, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiê; phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình và xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng. Chú trọng nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ về phòng, chống tảo hôn hoạt động có hiệu quả; khen thưởng kịp thời để động viên khích lệ và nhân rộng các điển hình tiên tiến...