Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 8,04% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 16,94% so với cùng kỳ.

Với mức tăng trưởng tín dụng này, các ngân hàng đã bơm ròng gần 840.000 tỷ đồng ra nền kinh tế thông qua kênh cho vay chỉ sau chưa đầy nửa năm, tương đương gần 5.600 tỷ/ngày.

Theo cơ quan quản lý tiền tệ, 4/5 lĩnh vực ưu tiên đã có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cùng kỳ và 3/5 lĩnh vực tăng cao hơn tốc độ tăng chung toàn ngành. Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, kinh doanh bất động sản, BOT, BT giao thông… được kiểm soát.

Lãi suất liên ngân hàng xuống đáy 1 năm

Theo các chuyên gia phân tích tại SSI Research, với mức tăng trưởng toàn ngành kể trên, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết ngân hàng thương mại đều đã gần chạm trần NHNN giao từ đầu năm. Điều này khiến dòng vốn cho vay khó có thể đẩy ra ngoài thị trường trong thời gian gần đây, qua đó, giảm bớt áp lực về mặt thanh khoản cho các nhà băng.

Thực tế, việc thanh khoản các ngân hàng dồi dào cũng thể hiện thông qua mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đã ghi nhận xu hướng giảm liên tục từ đầu năm đến nay và giảm mạnh những tuần gần đây.

Cụ thể, trong tuần gần nhất (30/5-3/6), bất chấp việc NHNN rút ròng gần 400 tỷ đồng khỏi thị trường thông qua kênh tín phiếu (bơm 566 tỷ và đáo hạn 944 tỷ đồng), lãi suất cho vay liên ngân hàng vẫn giảm mạnh. Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm kết tuần ở mức 0,5%/năm, giảm tới 0,6 điểm % so với tuần trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 đến nay. Tương tự, kỳ hạn vay 1 tuần cũng giảm 0,32 điểm %, xuống còn 1,2%/năm, các kỳ hạn dài hơn giảm với tốc độ 0,26-0,3 điểm %.

a-1654650627.jpg

Còn theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng phiên 6/6 đã giảm về mức 0,3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,06%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Do đây là lãi suất bình quân nên thực tế, nhiều khoản vay chéo giữa các ngân hàng sẽ có lãi suất thấp hơn con số 0,3%/năm kể trên.

Xét trên biểu đồ hàng tuần, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ hạn qua đêm và 1 tuần đã giảm liên tục trong 5 tuần gần nhất, đưa lãi cho vay qua đêm giảm hơn 7 lần và cho vay 1 tuần giảm hơn 3 lần, từ vùng 2,3%/năm và 2,6%/năm xuống hiện tại.

Nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đã ghi nhận xu hướng giảm liên tục, trái ngược với xu hướng tăng của lãi suất huy động.

Ngân hàng thừa tiền

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện thời gian qua là hệ quả của các đợt tăng lãi suất huy động liên tiếp từ đầu năm.

Số liệu của NHNN cũng cho biết dòng tiền của doanh nghiệp và người dân đã có xu hướng trở lại kênh tiết kiệm ngân hàng khi số dư tiền gửi của cả 2 nhóm khách hàng này đã tăng ròng gần 400.000 đồng sau 3 tháng đầu năm nay.

Hiện tổng số dư tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng vào khoảng 11,339 triệu tỷ đồng.

Với việc lãi suất huy động ngân hàng vẫn tăng từ tháng 3 đến nay, các chuyên gia phân tích cho rằng xu hướng tăng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng sẽ còn kéo dài trong tháng 4-5.

b-1654650667.jpg

Với diễn biến dòng tiền kể trên, việc gần chạm trần tín dụng chỉ sau 5 tháng đầu năm đã khiến nỗi lo thừa tiền lại hiện hữu tại các nhà băng.

Tuy nhiên, khác với giai đoạn đầu năm 2020, khi các ngân hàng có hạn mức tín dụng nhưng không thể cho vay do dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm mạnh, đợt này, bất chấp nhu cầu tín dụng lớn từ thị trường, các ngân hàng chỉ có thể cho vay dè dặt vì trần hạn mức tín dụng.

Thực tế, nỗi lo này đã được nhiều ngân hàng phản ánh khi đề xuất với NHNN nới room tín dụng cả năm.

Đồng loạt xin nới room tín dụng

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết tính đến cuối tháng 5/2020, quy mô dư nợ tín dụng của ngân hàng đã đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Ông cho biết sau cơn hạn hán tăng trưởng tín dụng do ảnh hưởng của dịch bệnh giai đoạn 2020-2021, nhu cầu vốn của khách hàng đã tăng cao. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank hiện đã đạt mức 9%, gần chạm trần NHNN giao trước đó.

Vì vậy, ngân hàng đề nghị NHNN xem xét nới room tín dụng phù hợp, để Vietcombank và các ngân hàng có dư địa hỗ trợ tăng trưởng.

Tương tự, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV, cho biết từ quý IV/2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng lên rất mạnh. Trong khi room tín dụng BIDV được cấp năm nay là 10% dự kiến không thể đáp ứng đủ đến cuối năm.

c-1654650665.jpg
Các ngân hàng đồng loạt xin nới room tăng trưởng tín dụng năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế rất lớn. Ảnh: Nam Khánh.

Nhà băng này cũng đề xuất được nới room tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời thực hiện triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vay vốn.

Hiện tại, các ngân hàng lớn như VietinBank, Agribank, MBBank… đều đã có đề xuất nới room tăng trưởng tín dụng tới NHNN.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết hiện nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết chỉ tiêu tín dụng do NHNN giao, nhưng nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn rất lớn.

Tuy nhiên, mục tiêu điều hành của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, do vậy, chủ trương nới room phải dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá thận trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát.

Về phía NHNN, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng được thực hiện theo nguyên tắc, nhà băng nào có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh đó, NHNN cũng xem xét một số yếu tố như mặt bằng lãi suất huy động, cho vay, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Tuy nhiên, năm 2022, sức ép tăng trưởng tín dụng rất lớn do cộng hưởng nhiều yếu tố. Với áp lực lạm phát lớn, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành phù hợp. Trong đó, cơ quan quản lý vẫn duy trì quan điểm kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.

Nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng đã ghi nhận xu hướng giảm liên tục, trái ngược với xu hướng tăng của lãi suất huy động./.