damphan-1646349265293-1648435051.jpg
Phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine (Ảnh: Tass).

"Hôm nay, trong một vòng đàm phán video khác, chúng tôi đã quyết định tổ chức vòng đàm phán trực tiếp tới đây của 2 phái đoàn tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28-30/3", David Arakhamia, nhà đàm phán và chính trị gia Ukraine, thông báo trên Facebook.

Ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán Nga, cũng xác nhận thông tin về vòng đàm phán tiếp theo với Ukraine, nhưng lại đưa ra khung thời gian khác. Ông Medinsky nói rằng 2 bên sẽ bắt đầu đàm phán vào ngày 29/3 và kết thúc vào ngày 30/3.

Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc điện đàm hôm 27/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí tổ chức vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa Nga và Ukraine tại Istanbul.

"Ông Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, việc duy trì hòa bình và cải thiện các điều kiện nhân đạo trong khu vực", Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm.

Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào cuối tháng 2, song không đạt được kết quả đột phá. Cả 2 bên đều thừa nhận nỗ lực đàm phán rất khó khăn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cho biết Nga và Ukraine dường như đã đạt được sự thống nhất về 4 trong số 6 điểm đàm phán, bao gồm Ukraine không gia nhập NATO, việc sử dụng tiếng Nga ở Ukraine, giải trừ quân bị và đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 25/3 nói rằng nước này vẫn chưa đạt được "sự đồng thuận" về các điểm đàm phán chính với Nga.

Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 27/3 cảnh báo các nước không nên cô lập Moscow, cho rằng Nga "phải được lắng nghe bằng cách này hay cách khác".

"Nếu tất cả cắt đứt cầu nối với Nga, rốt cuộc ai sẽ đối thoại với họ?", ông Kalin đặt câu hỏi.

Ông Kalin cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế ủng hộ Ukraine "bằng mọi cách có thể" để nước này có thể "tự vệ" trước chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh, lập trường của Nga phải được xem xét.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực duy trì lập trường trung lập trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và đang tìm cách đóng vai trò trung gian giữa 2 bên. Khác với các thành viên NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và luôn mở các kênh ngoại giao với cả hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất để hỗ trợ quân đội Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/3, Tổng thống Putin đã nêu những yêu cầu của Nga để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Yêu cầu đầu tiên do Tổng thống Putin đưa ra là Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và không xin gia nhập NATO. Ngoài ra, ông Putin cũng muốn Ukraine trải qua một quá trình giải giáp vũ khí để đảm bảo nước này không phải là mối đe dọa đối với Nga, đồng thời bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine và phi phát xít hóa.

Nga còn yêu cầu chính phủ Ukraine công nhận độc lập của các vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông. Moscow cũng yêu cầu Ukraine phải chính thức chấp nhận Crimea thuộc về Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014./.