xetanglucluongthanngakhaihoamuctieuukraineafp-1654072489472-1654224832.jpg
Xe tăng của lực lượng thân Nga khai hỏa vào mục tiêu ở Ukraine (Ảnh: AFP).

"Các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra khi xem xét đến các điều khoản của chúng tôi và sự nhất quán của các điều khoản này. Tuy nhiên, việc chúng tôi sẵn sàng đàm phán không có nghĩa là chúng tôi sẽ thuyết phục Ukraine", Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko nói với hãng tin Tass hôm 2/6.

"Nếu họ (Ukraine) có đủ ý chí, cuối cùng họ sẽ thoát hoàn toàn khỏi sự kiểm soát từ bên ngoài, hiểu rõ tất cả những gì đã xảy ra, và sau đó quá trình đàm phán có thể được thực hiện dựa trên các điều khoản do Nga xây dựng. Hãy xem họ sẽ hành xử như thế nào ở Ukraine, còn chúng tôi không ép buộc. Chúng tôi chỉ tuyên bố sẵn sàng (đàm phán), nhưng theo các điều khoản của chúng tôi", quan chức Nga nói thêm.

Theo bà Matviyenko, nếu không đảm bảo điều kiện trên, sẽ không có cuộc đàm phán nào diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Bà Matviyenko cho biết "các giải pháp ngoại giao, hòa bình là cần thiết" cho cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine". Bà tuyên bố Nga "sẵn sàng đàm phán để ký các thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine và mang lại hòa bình, nhưng không nhận được phản hồi nào từ Kiev".

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Andrey Kartapolov ngày 1/6 cho biết, Nga sẽ chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt nếu Ukraine đồng ý đàm phán.

Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau sau khi các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ từ cuối tháng 3 đến nay. Moscow nói rằng Ukraine không sẵn sàng nối lại đàm phán, trong khi các quan chức ở Kiev cáo buộc Nga mới là bên khiến đàm phán đóng băng.

Cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3. Tại vòng đàm phán này, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại Kiev sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nêu ra những yêu cầu của Moscow để đạt được một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột với Ukraine.

Yêu cầu đầu tiên do Tổng thống Putin đưa ra là Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và không xin gia nhập NATO. Ngoài ra, ông Putin cũng muốn Ukraine trải qua một quá trình giải giáp vũ khí để đảm bảo nước này không phải là mối đe dọa đối với Nga, đồng thời bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Nga còn yêu cầu chính phủ Ukraine công nhận độc lập của các vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông. Moscow cũng muốn Ukraine phải chính thức chấp nhận Crimea thuộc về Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014. 

Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 với tuyên bố "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Xung đột đã bước sang tháng thứ 4 và có chiều hướng tăng nhiệt ở mặt trận miền Đông. Nga đang dồn lực lượng và khí tài để đạt mục tiêu giải phóng hoàn toàn vùng Donbass, miền Đông Ukraine. 

Giao tranh khốc liệt đang nổ ra ở miền Đông Ukraine. Nga đang chiếm ưu thế ở mặt trận Donbass, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, mỗi ngày có khoảng 60 - 100 binh sĩ Ukraine tử trận, hàng trăm người bị thương. Trong khi đó, phương Tây liên tục cấp vũ khí giúp Ukraine cản đà tiến công của Nga. /.