oi-1686276634.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người cho một số đại biểu dự Đại hội Phụ nữ xuất sắc trong phong trào "Ba đảm đang" của Thủ đô Hà Nội (ngày 2/12?1965) - Ảnh tư liệu (Báo Nhân dân)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: Nói chung người phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Vì vậy để động viên người người thi đua, ngành ngành thi đua thì một trong những cách tốt nhất là nêu gương "người tốt, việc tốt". 

Thời phong kiến, Nho giáo coi tu thân và gương mẫu (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ) là yêu cầu đạo đức hàng đầu đối với việc giáo dục con người và quản lý xã hội. Tuy nhiên, Nho giáo thường chỉ đặt trọng tâm nêu gương vào những người quản lý xã hội, những bậc quân tử…, còn Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm giáo dục đạo đức là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. 

Trong xã hội ta, ai cũng là chủ thể và cũng là đối tượng của giáo dục đạo đức. Vì vậy, ai cũng có thể và cần phải luôn luôn nêu tấm gương về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc nêu gương đạo đức của cán bộ, đảng viên có tác dụng giáo dục quần chúng rất cao. Người thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Để phát huy sự nêu gương trong giáo dục đạo đức cách mạng, năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động và qua đó tạo ra cả một phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng trong toàn xã hội - phong trào "Người mới, việc mới", sau này gọi là "Người tốt, việc tốt". 

Tư tưởng về sử dụng những tấm gương "Người tốt, việc tốt" để giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thể hiện sự bao quát, tầm nhìn của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đối với công tác giáo dục đạo đức, cũng như hiệu quả của công tác này trong xây dựng chế độ xã hội mới. Từ thực tiễn "cả cuộc đời vì nước vì dân" của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, trong đó, điều nổi bật và dễ nhận thấy nhất là sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và thực hành đạo đức.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về coi trọng tinh thần thi đua, coi trọng việc phát hiện, giới thiệu, cổ vũ, nhân rộng những tấm gương "người tốt, việc tốt" từ thực tế đời sống luôn được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong nhiều bài viết, bài nói của Người.

Bác khen "Anh em Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu thật đáng làm khuôn mẫu cho tất cả các anh em tự vệ các nơi về mọi phương diện" (bài Noi gương anh em tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu đăng Báo Cứu quốc, số 266, ngày 14/6/1946); Bác viết thư gửi cụ Phùng Lục, phụ lão Cứu quốc Ứng Hoà (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) khen ngợi hành động đẹp của cụ trong ngày chúc thọ (miễn tế lễ linh đình và đem số tiền 500 đồng quyên vào Quỹ Kháng chiến) "đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo" (đăng Báo Cứu quốc, số 933, ngày 20/5/1948). 

Tự nhiên, giản dị đúng như cách diễn đạt đã trở thành phong cách nổi bật của Bác, Bác còn thêm vào trong những bài báo đôi vần thơ để tăng hiệu quả tuyên truyền.

Những vần thơ Bác viết về tấm gương hy sinh dũng cảm của hai thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số thật xúc động: "Em người Mán, em người Mèo - Đều là con cháu dân cày nghèo - Tuy nghèo, chí khí rất giàu - Nêu gương oanh liệt, đời sau dài truyền" (đăng Báo Nhân dân, số 97, từ ngày 1 đến ngày 5/3/1953); những vần thơ viết về tấm gương hăng hái xông pha trong phong trào sản xuất, làm thủy lợi, hay trên mặt trận văn hoá của các cụ phụ lão ở Nam Định thì hừng hực khí thế tiến công cách mạng của "Truyền thống Diên Hồng" năm nào: "Càng già, càng dẻo lại càng dai - Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai - Đôn đốc con em làm nhiệm vụ - Vuốt râu mừng xã hội tương lai" (đăng Báo Nhân dân, số 2387, ngày 1/10/1960)…

Cảm động xiết bao khi một vị Chủ tịch nước, lãnh đạo Đảng bận rộn, lo cho "muôn mối", "cho hôm nay và cho mai sau" vậy mà hằng ngày Bác vẫn dành thời gian theo dõi, tập hợp những tấm gương "người tốt, việc tốt" ở các báo và bản tin như báo Nhân dân, Lao động, Tin Việt Nam Thông tấn xã, Quân đội nhân dân,... các báo địa phương như Nghệ An, Nam Hà, Kiến An- Hải Phòng, Bắc Giang, Sông Thương, Thái Bình, Hà Nội mới, v.v... rồi yêu cầu văn phòng xác minh để Người thưởng huy hiệu. 

Trong 12 năm từ bài báo đầu tiên "Mẹ Đăng" trên báo Phụ nữ ngày 16/2/1956 đến bài báo cuối cùng "Xông vào lửa cứu xe, cứu đạn" trên báo Quân đội nhân dân ngày 30/12/1968, tổng cộng Người đã theo dõi tin tức của hơn 70 loại báo, bản tin với hơn 2.000 bài có bút tích của Người, gần 4.000 huy hiệu và những phần thưởng khác Người đã tặng cho những cá nhân điển hình của phong trào cùng với ảnh chụp, những bài nói chuyện có liên quan đến gương "Người tốt, việc tốt" đã khẳng định mục đích, tầm quan trọng, và sự quan tâm của Người với phong trào có ý nghĩa đặc biệt này. 

Có thể tìm thấy những tấm gương bình dị mà cao cả của mọi giới, mọi ngành, mọi lứa tuổi, trên mọi "mặt trận" đã được báo chí biểu dương, được Bác ngợi khen.

Trực tiếp trên trận tuyến chống Mỹ cứu nước là gương Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 máy bay Mỹ, được Bác thưởng 9 huy hiệu (nhiều nhất); Anh hùng Phạm Thanh Ngân bắn rơi 8 máy bay Mỹ, được Bác thưởng 8 huy hiệu; gương chị La Thị Tám, người con gái sông La, tỉnh Hà Tĩnh tham gia bảo vệ an toàn cho những con đường huyết mạch trong tỉnh, trực tiếp quan sát, dũng cảm cắm tiêu hàng trăm quả bom nổ chậm; gương chị Nguyễn Thị Thứ, nữ dân quân ở Hậu Lộc, Thanh Hóa cùng các chị em dân quân bắn rơi 3 máy bay Mỹ… 

Những tấm gương trong lao động, sản xuất như: Cô đội trưởng thủy lợi Nguyễn Thị Vương ở Thạch Thất, Hà Tây có nhiều sáng kiến trong công tác, đạt thành tích cao (báo Hà Tây đăng ngày 18/6/1966); cụ Lê Văn Thư xã viên HTX Đông Khê, xã Tiến Thịnh (Tân Yên) đã có thành tích trồng cây gây rừng (báo Hà Bắc đăng ngày 30/8/963); chị Trần Thị Sơn, đội lái xe cơ giới cảng Hải Phòng 9 năm liền lái xe an toàn (báo Hải Phòng đăng ngày 20/9/1965)..., đến gương các em nhỏ dũng cảm, thật thà, biết yêu thương bạn bè như em Dương Văn Thanh, 13 tuổi, học sinh lớp 3 trường Quyết Thắng (Hiệp Hòa) đã cứu em Ngô Thị Nhung 2 tuổi và em Nguyễn Văn Phi 3 tuổi khỏi bị chết đuối (báo Sông Thương đăng ngày 26/5/1962); em Đào Thị Tỉnh học sinh lớp 1 trường Xuân Hương (Lạng Giang) nhặt được của rơi đã mang nộp trả cho người mất (báo Hà Bắc đăng ngày 8/7/1963)... 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng những tấm gương đó và nhấn mạnh: "Chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế, chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng"([1]).

 Mặt khác, thấy rõ tác dụng động viên của việc thưởng huy hiệu, nên Bác chỉ đạo công việc rất sát sao, tỉ mỉ. Sau mỗi tháng, Bác yêu cầu văn phòng tổng kết lại xem mỗi tỉnh, mỗi ngành, mỗi bộ, mỗi trường, mỗi giới… được thưởng bao nhiêu và tìm hiểu xem tại sao nơi này nhiều, nơi khác, ngành khác ít, nếu do báo cáo không kịp thời thì nhắc nhở cơ sở chú ý. 

Đến đầu tháng 6/1968, Bác lại giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên huấn Trung ương xuất bản sách "Người tốt, việc tốt". Chỉ rõ tầm quan trọng của sách, Bác nói với đồng chí Hà Huy Giáp, người được Ban Tuyên huấn Trung ương giao cho chuyên trách việc này: "Những gương người tốt làm việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn"([2]).

Thực hiện chỉ dạy của Bác, từ đó những cuốn sách "Người tốt, việc tốt" như: "Dân tộc anh hùng giai cấp tiền phong" của giai cấp công nhân; "Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ" của giai cấp nông dân; "Vì nước vì dân" của các lực lượng vũ trang; "Thế hệ anh hùng" của thanh niên; "Việc nhỏ nghĩa lớn" của thiếu niên; "Dũng cảm đảm đang" của phụ nữ… lần lượt ra đời đã góp phần động viên, khích lệ rất lớn phong trào thi đua giết giặc lập công, xây dựng đất nước, "nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta"([3]), góp phần phát huy truyền thống đạo đức của ngưòi Việt Nam. 

Phong trào đã thực sự trở thành chất men nuôi duỡng "cái tốt đẹp" trong mỗi con người "nảy nở như hoa mùa xuân"; đẩy lùi thói hư, tật xấu, những hủ tục của xã hội cũ. Qua đó góp phần để mỗi người dân ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước, tự tin hơn ở mình, ở những việc mình làm, dù nhỏ nhưng vì lợi ích chung của tập thể, của xã hội. 

Phong trào cũng đã nhân rộng những điển hình tiên tiến trong toàn dân, khích lệ lòng yêu nước trong mỗi cá nhân tạo nên một sức mạnh kỳ diệu giúp dân tộc ta có thể đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong một giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn gian khổ.

Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi lâm bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo dõi phong trào. Trên bàn làm việc của Bác, những cuốn sách "Người tốt, việc tốt", những tờ báo hằng ngày, hằng tuần còn mang bút tích của Bác đánh dấu son, ghi rõ thưởng huy hiệu cho những người làm việc tốt. 

Sau ngày Bác đi xa, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch- nơi Bác sống và làm việc 15 năm cuối cùng của cuộc đời (1954-1969) trở thành nơi lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị những di sản vô giá Người để lại. 

Một trong những loại tài liệu, hiện vật gây nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khách tham quan Khu Di tích là những cuốn sách thuộc loại sách "Người tốt, việc tốt" xuất hiện tại nhiều điểm di tích như: Bàn làm việc tầng 1, phòng làm việc và phòng ngủ tầng 2 nhà sàn; trên bàn họp Bộ Chính trị, ngôi nhà H67 nơi Bác dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng. 

Những cuốn sách nhỏ viết về tấm gương "Người tốt, việc tốt" ấy cùng với những tài liệu, hiện vật trưng bày tại Khu Di tích là những di sản quý, gây xúc động sâu sắc đối với mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế đến tham quan nơi đây. Bởi, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói về đạo đức, không chỉ là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, mà tư tưởng và những việc làm của Người nhằm nêu gương, nhân rộng những người tốt có thật, những việc tốt có thật sẽ giúp mỗi chúng ta cảm nhận được sự lan tỏa của những tấm gương đó đang ngày mỗi ngày góp phần làm cho phần tốt, phần thiện trong mỗi con người sinh sôi, nảy nở; những tính xấu, sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa cùng điều ác sẽ bị đẩy lùi; xã hội ngày một tốt đẹp hơn đúng như Người hằng mong muốn: Mỗi "Người tốt, việc tốt đều là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp!".

Theo Vũ Thị Kim Yến - baochinhphu.vn