Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cảng vụ hàng hải (CVHH) Hải Phòng cho biết, theo thiết kế ban đầu, độ sâu thủy diện trước hai bến khởi động tại Lạch Huyện là -16m. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài khai thác, hiện, vùng nước trước bến bị bồi lắng chỉ còn khoảng -8m.
Với độ sâu trước bến hiện tại cộng với việc lợi dụng thủy triều, cảng Lạch Huyện chỉ có thể đón tàu container đến hơn 70.000 DWT trong khi cỡ tàu vào cụm cảng cửa ngõ của phía Bắc đã đến 132.900 DWT.
“Thời gian qua, CVHH Hải Phòng đã liên tục làm việc, đôn đốc đơn vị khai thác cảng khẩn trương tiến hành các thủ tục nạo vét lượng sa bồi tại vùng nước trước bến.
Theo báo cáo, đến cuối tuần này, thủ tục đấu thầu sẽ được hoàn tất, công tác nạo vét sẽ được khởi công từ đầu tháng 10/2021 và hoàn thành trong năm nay. Độ sâu trước bến sẽ được nạo vét đến -14,5m, đáp ứng cho cỡ tàu lớn nhất (132.900 DWT) cập cảng làm hàng thuận lợi”, lãnh đạo CVHH Hải Phòng thông tin.
CVHH Hải Phòng cho biết, kể từ khi hai bến khởi động cảng Lạch Huyện đi vào khai thác (5/2018), sản lượng hàng hóa và lượt tàu thông qua tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tính đến nay, cảng Lạch Huyện đã đón thành công 183 chuyến tàu mẹ hoạt động trên các tuyến dịch vụ xuyên Thái Bính Dương, từ Hải Phòng đi thẳng Canada và bờ Tây nước Mỹ.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tình trạng sa bồi tại thủy diện trước bến cảng Lạch Huyện xuất hiện từ cuối năm 2020 khiến tàu container trọng tải 100.000 tấn phải hạ tải 20 - 30%. Một số chuyến tàu dự định xếp 18.000 tấn hàng khi vào cảng nhưng thực tế chỉ xếp được 14.000 tấn để có thể hành hải thuận lợi.
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN nhận định, việc duy trì độ sâu hạ tầng kết nối, vùng nước phục vụ khai thác tại cảng Lạch Huyện là vô cùng quan trọng và cần được triển khai nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã chuyển đổi đơn hàng ra khu vực cảng biển phía Bắc.
“Ccảng Lạch Huyện cần duy trì chất lượng hạ tầng, đảm bảo năng lực phục vụ tàu lớn, vừa tạo sự chủ động cho hàng xuất khẩu, vừa là giải pháp hỗ trợ cảng biển phía Nam để giữ được sự tăng trưởng hàng hóa, phát triển kinh tế đất nước trong thời gian dịch bệnh”, đại diện Cục Hàng hải nói.