Tai nạn giao thông (TNGT) là hiểm họa thường trực đối với mỗi người tham gia giao thông, để lại hệ lụy nặng nề đối với nhiều gia đình và xã hội. Trước thực trạng đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông (ATGT) được xem là mục tiêu quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, tiến tới xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn, góp phần giảm thiểu TNGT được các cấp, ngành chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ…

Thời gian qua, Ban ATGT các cấp chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, nhằm nâng cao ý thức chấp hành trật tự ATGT của người tham gia giao thông. Để công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả, Ban ATGT phối hợp các Bộ, ngành, đoàn thể có sự đổi mới, đa dạng nội dung lẫn hình thức phù hợp với từng địa phương, hướng đến các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải. Trong đó tập trung tuyên truyền quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe đạp điện, không chở quá số người quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của Nhân dân.

Trên thực tế, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn còn xảy ra khá nhiều. Một số người khi tham gia giao thông sẵn sàng phóng nhanh, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm; chạy xe lạng lách, đánh võng; dàn hàng ngang trên đường; uống rượu bia say xỉn vẫn tham gia giao thông… Đặc biệt, tình trạng vi phạm ATGT trong học sinh ở các trường học còn khá phổ biến, nhất là không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, ngồi trên xe gắn máy, điều khiển phương tiện đi thành hàng 3, hàng 4… Ngoài ra, tình trạng xe chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ gây cản trở và mất ATGT xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường.

4532-ssss-1668053009.jpg

Theo thống kê của Ban ATGT Quốc gia, trong những năm qua, TNGT mặc dù đã từng bước được kiểm soát, tuy nhiên, vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Tính riêng trong năm 2021, số vụ TNGT cả nước là hơn 11.000 vụ, trong đó 10,3% số vụ TNGT liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng nguyên nhân hàng đầu vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Vì vậy, để giảm nguy cơ và mức độ mất ATGT như hiện nay, giải pháp quan trọng là nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Với tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, hơn lúc nào hết, người dân cần tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để đem lại an toàn cho chính mình và cộng đồng. Mỗi người hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè; không đi bộ dưới lòng đường; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông…

Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể và các ngành chức năng phải nhận thức tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT trong bảo đảm trật tự ATGT và xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Ban ATGT phối hợp các ngành, địa phương tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, với nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng. Trong đó, chú trọng đến việc hướng dẫn các kĩ năng tham gia giao thông an toàn, hậu quả của TNGT đối với bản thân, gia đình và xã hội… Đặc biệt, phát huy hình thức tuyên truyền qua hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng, như: Báo, đài truyền thanh, truyền hình và các trang mạng xã hội… để tạo sức lan tỏa rộng rãi trong Nhân dân.

Các ngành, đoàn thể phối hợp Công an các địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại, tuyên truyền các chủ doanh nghiệp vận tải cam kết không giao xe cho người làm thuê lái xe vi phạm các quy định về trật tự ATGT (như: Chở hàng quá tải, vi phạm nồng độ cồn). Ngành Giáo dục và Đào tạo, các cấp bộ Đoàn tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm ATGT trong hệ thống trường học, thông qua các buổi tọa đàm, diễn đàn, mít-tinh, lồng ghép qua các trò chơi hái hoa dân chủ, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí kết hợp với giáo dục pháp luật về ATGT trong thanh, thiếu niên, học sinh, như: “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Rung chuông vàng” tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, xây dựng góc tuyên truyền ATGT tại các trường học…

Trước tình trạng vi phạm Luật Giao thông vẫn còn xảy ra phổ biến và tình hình TNGT ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, để bảo đảm trật tự ATGT, cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng, người dân cần tự rèn luyện ý thức thượng tôn pháp luật và hành xử đúng mực trên đường. Làm tốt điều này là để bảo vệ ATGT cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông, đồng thời cũng là thể hiện nét đẹp văn minh, văn hóa của mỗi công dân./.