Lo di tích hư hỏng do mưa bão

Ngày 9.8, trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Kim Phượng – Trưởng Ban quản lý di tích Nghệ An cho biết mỗi năm vào mùa mưa bão, nỗi lo thường trực của các cán bộ ngành văn hóa và chính quyền địa phương là sự an toàn của di tích trước những tác động bất thường của thiên nhiên.

“Nhiều di tích địa bàn sâu trũng, khi mưa lớn nước bị ngập lên đến tận mái nhà, gây hư hỏng cho công trình chính và các hạng mục phụ trợ. Ngoài ra, gió bão cũng gây thiệt hại rất nhiều đến các di tích” – bà Trần Thị Kim Phượng nói.

tt-1691633378.jpg
Đền Làng Danh, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) xuống cấp nghiêm trọng do thiên tai và thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Hải Đăng

Nghệ An hiện có 2.602 di tích đã được kiểm kê, phân loại, trong đó có 461 di tích đã được xếp hạng (5 di tích quốc gia đặc biệt, 143 di tích cấp quốc gia và 313 di tích cấp tỉnh).

Hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú về loại hình: Danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, trong đó di tích lịch sử chiếm phần lớn.

Hệ thống di tích trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, từ vùng đồng bằng, trung du đến miền núi nhưng tập trung nhiều ở vùng đồng bằng, đặc biệt là ven các con sông lớn và khá thưa thớt ở miền núi.

66-1691633441.PNG
Nhà thờ họ Nguyễn Duy, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc xuống cấp. Ảnh: Hải Đăng

Các di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu có niên đại xây dựng vào thời Nguyễn, phần lớn được làm bằng các loại gỗ chịu được thời tiết khắc nghiệt như lim, dổi, táu… với bộ khung nhà thiên về sự chắc khoẻ, chịu lực tốt.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị như đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đền Bạch Mã, đền Cờn… đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ.

Nghệ An là địa bàn có thời tiết khắc nghiệt, trời nắng hanh khô nền nhiệt cao và kéo dài, thường xuyên xảy ra mưa, bão, lũ. Do đó, nguy cơ các di tích bị phá hủy hoặc gây hư hỏng do thiên tai là rất lớn.

Nan giải vấn đề bảo vệ di tích trước thiên tai

m-1691633483.PNG
Đền Nghĩa Sơn, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên bị thấm dột do mưa lớn. Ảnh: Hải Đăng

Theo Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An, sau mỗi đợt thiên tai, bão, lũ, số lượng di tích bị xuống cấp lại tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là các di tích ở vùng sâu, vùng xa hoặc nằm giữa đồng, trên núi xa khu dân cư. Mức độ hư hỏng của các di tích trên địa bàn tỉnh trung bình từ 50 – 60%. Thậm chí, nhiều di tích cộng đồng bị xuống cấp đến 80-90%.

Hàng năm, đặc biệt là dịp trước mùa mưa bão, Ban quản lý di tích Nghệ An đã tham mưu ngành văn hóa đề nghị các địa phương, ban quản lý, chủ sở hữu các di tích trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp phòng chống thiệt hại cho di tích do thiên tai.

Cụ thể, yêu cầu ban quản lý, chủ sở hữu các di tích thường xuyên kiểm tra tình hình, chủ động di dời các đồ tế khí đến nơi an toàn, chằng chống di tích, kịp thời khắc phục các sự cố nhỏ như ngói vỡ, nền di tích bị bùn lầy…

mm-1691633513.PNG
Tường đền Câu, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn bị nứt một đường lớn do thiên tai. Ảnh: Hải Đăng

Đối với các sự cố lớn, cần kịp thời báo cáo địa phương và cơ quan có thẩm quyền để triển khai các giải pháp khắc phục, bảo vệ khẩn cấp.

Đồng thời, Ban quản lý di tích Nghệ An đã tiến hành khảo sát, và thực hiện nhiều đợt tu bổ từ các nguồn kinh phí khác nhau như nguồn thường xuyên của tỉnh, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia…cho các di tích đã được xếp hạng.

“Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng do thiên tai thường xuyên, trong khi các di tích đã lâu năm, xuống cấp, nguồn lực tài chính và nhân lực có hạn đang là những nguyên nhân làm cho hiện tượng di tích bị thiên tai gây thiệt hại là không thể tránh khỏi” – Trưởng Ban quản lý di tích Nghệ An Trần Thị Kim Phượng nói và cho biết thêm đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước.a