Ngày Cá tháng 4, chúng ta hay tìm tiếng cười bằng những lời nói dối lại là ngày nhiều người trong chúng ta suy sụp bởi một thông tin có thật: Một nam sinh lớp 10 nhảy lầu từ tầng 28, ngay trước mặt người bố. Trước đó chưa đến một ngày, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh treo cổ tự vẫn. 

nhaylau1-1648859853766-1648879200.jpg
Sự việc nam sinh trường chuyên nhảy lầu ở Hà Nội làm nhiều người bị ám ảnh (Ảnh minh họa).

Chị Phan Thúy Thảo, ở Hà Nội, mẹ của hai đứa con cũng trạc tuổi các cháu cho biết, cả đêm qua chị không tài nào ngủ được. Chị khóc, chị trằn trọc, chị hoảng loạn và cứ ngồi trong đêm nhìn các con đang ngủ say. 

Dù không phải là chuyện của mình nhưng chị đau lòng đến kiệt sức, thương đứa trẻ ra đi quá đau đớn và thương cho những người ở lại. 

"Thằng lớn nhà tôi cũng thỉnh thoảng cũng thức đến 1-2h sáng. Bắt nó đi ngủ không được nên nhiều mẹ cũng đành phải thức theo để canh, để giục lên giường. Thời mười mấy tuổi, mình cũng đầy lần nghĩ chuyện tự tử.

Giờ kể lại thấy ngớ ngẩn, buồn cười vô cùng nhưng ở lứa tuổi đó, ở thời điểm đó thì đó là cả một bầu trời bi kịch. Chưa kể với những đứa trẻ bị trầm cảm càng khủng khiếp", chị Thảo nói.

Làm bố mẹ chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh đời sống nhiều áp lực như hiện nay. Theo chị Thảo, nhiều người đang nỗ lực vì con, dành điều tốt nhất cho con nhưng thật sự những điều đó có tốt cho con hay không chính bố mẹ cũng không biết chắc.

Ngay chúng ta khi đau lòng hoặc chỉ trích, phê phán khi nhìn vào sự việc thì có thể con chúng ta cũng đang có những tổn thương mà chúng ta không kịp biết, không rõ...

"Tôi sợ mình đang sai!"

Tối 1/4, trong khi canh con học bài, chị N.T.T. cũng là một giáo viên ở Nghệ An lướt vào đọc báo.

Thế rồi chị đọc tin học sinh lớp 10 nhảy tầng tự tử ngay trước mắt bố... Chị ám ảnh, run sợ. Có lẽ bởi em ấy trạc tuổi con mình và có lẽ, cũng chính mình đang gây áp lực học hành cho con nên chị hoảng sợ và xúc động hơn người khác.

anh-chup-man-hinh-20220402-luc-074529-1648860359516-1648879229.jpg
Học hành, thi cử là một trong những áp lực với rất nhiều học trò.

Mới đây thôi, sau khi có điểm giữa học kỳ chị cũng đã phê bình con là học chưa ổn. Chị đã phê bình con về điểm tiếng Anh chưa tốt dù chỉ nói chuyện ở mức nhẹ nhàng...

Chị cũng đã đang gây áp lực cho con về chuyện thi đại học, động viên con học để thi đánh giá năng lực nữa...

Chị cũng là một người mẹ đang gây áp lực cho con. Mặc dù thường ngày, chị vẫn hỏi con: "Con có thấy mẹ gây áp lực cho con không? Mẹ gây áp lực thì kệ mẹ, mẹ bắt con học thì kệ mẹ, nhưng khi con mệt thì con cứ nói con mệt, con có thể chống đối lại mẹ khi thấy quá sức. Chuyện học hành là phục vụ cho cuộc đời". Con chị cũng chưa bao giờ học bài quá 11 giờ và mẹ con vẫn thường xuyên hỏi han thân tình.

Chị cố gắng làm một người mẹ vừa ép vừa động viên con. Nhưng giờ đây, chị mang nỗi ám ảnh mình sợ mình sai...

Tấm gương phản chiếu cho tất cả

Từ sự việc cậu học trò nhảy lầu đau đớn, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, từng là giáo viên, hiệu trưởng ở Cà Mau có quá nhiều điều muốn nói. Nhưng sau tất cả, sự việc chỉ còn lại tấm gương phản chiếu để từng bố mẹ nhìn lại câu chuyện của mình mà thôi…

Bà muốn với người cha của cháu lời chia buồn đến anh và gia đình khi phải mang nỗi ám vĩnh viễn đeo gông suốt cuộc đời. 

anh-chup-man-hinh-20220402-luc-073721-1648859953648-1648879265.jpg
Học trò đang phải đối diện với nhiều áp lực, bất ổn tâm lý cùng sự cô đơn (Ảnh minh họa).

"Anh đừng đọc báo, hoặc lướt facebook để không phải đọc lời thông cảm như tôi lẫn những lời lên án, chửi bới dù họ chẳng thể biết thật sự điều gì đang diễn ra ở nhà anh… Người ta luôn lấy chuyện người khác làm trang sức cho mình", bà Hà nhắn gửi. 

Bà phải đạt câu hỏi, bao nhiêu đứa trẻ đã chọn cái chết để từ bỏ sự kỳ vọng đeo buộc quá nhiều của bố mẹ và sức nặng đến khó thở của nền giáo dục áp đặt? Một, hai, ba… ngày càng nhiều… ngày càng rất nhiều…

"Tôi vẫn còn nhớ con tôi từng khốn khổ phải theo đuổi các lớp học thêm chồng chất không phải vì chất lượng học tập mà bởi chiều lòng cô giáo, nếu không học thêm sẽ khó mà được đối xử bình thường trong lớp. 

Và chính tôi cũng không thoát khỏi những cơn ức chế cuộc sống mà đôi khi trút vào con mình những lời nặng nề.

Chúng ta và con của chúng ta đang học gì vậy? Chương trình cồng kềnh, nặng nề, hình thức, tính ứng dụng ít… Còn chúng ta, bám víu vào điểm số của con để thỏa mãn lòng kỳ vọng và có cái để so đo với con nhà người hoặc khoe mẽ ở đâu đó.

Chúng ta quên cách chúng ta lớn như thế nào? Chúng ta nhất nhất cho rằng quyền của chúng ta với con là tối thượng… Con chúng ta đôi khi chơi vơi trong cái bể cô đơn không được thấu hiểu, không được sẻ chia", nữ nhà văn lên tiếng. 

Theo bà Việt Hà, mọi chuyện xẩy ra đều mang theo một tấm gương phản chiếu để chúng ta nhìn vào đó soi rọi cho mình, không phải để chúng ta chửi lẫn cảm thông người khác.

Sinh ra một đứa con là hiện thân một sinh mạng thứ hai của chính mình. Con lớn lên ngần nào là ngần ấy cuộc đời mình để lại cho con, là phần đời ấy hiển thị trên bước chân con…

"Hãy nhìn lại mình trước, nếu không nói được lời tử tế thì chỉ cần bạn im lặng đã đủ nhân văn rồi", bà Hà nêu quan điểm.

Theo bà, hành trình làm người ngày càng trở nên mệt mỏi. Nhất là 3 năm qua, con người chúng ta yếu ớt đi vì dịch giã, chiến tranh, giá trị xã hội bị đảo lộn... Mọi thứ dồn tụ đang ghì chúng ta xuống./.