Triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch; triển khai mô hình trạm y tế lưu động; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin. Từ quý II, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước đạt 9,08%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 ước thực hiện 93.438 tỷ đồng, tăng 12,47% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước thực hiện 20.370 tỷ đồng, tăng 35,6% so với dự toán trình HĐND tỉnh điều chỉnh, tăng 1,9% so với thực hiện năm 2021. Chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện 32.562 tỷ đồng, bằng 104,8% dự toán.

Dự kiến trong năm 2022, có 10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 04 xã đạt NTM kiểu mẫu; 02 huyện Đô Lương và Diễn Châu đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương thẩm định huyện đạt chuẩn NTM. Dự kiến lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 75,18% tổng số xã; 42 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 10,22%; 06 xã đạt NTM kiểu mẫu, chiếm 1,46%; số tiêu chí bình quân đạt 16,95 tiêu chí/xã; 09 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn NTM. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến trong năm 2022 hoàn thành công nhận 100 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; lũy kế đến cuối năm 2022, có 349 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 83.000 tỷ đồng, tăng 24,16% so với năm 2021. Tổng lượt khách du lịch cả năm ước đạt 6,79 triệu lượt, gấp 2,59 lần so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt khoảng 2.490 triệu USD, tăng 2,55% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.195 triệu USD, tăng 20,2% so với năm 2021.

Nhiều công trình, dự án quan trọng đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả

Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công quyết liệt ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 20/11/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 3.054,305 tỷ đồng, đạt 41,03% tổng kế hoạch. Các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ như: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km7 - Km76; Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền, Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1); Đường giao thông nối Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ)... Hạ tầng KKT Đông Nam tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.

Năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng và hoàn thành báo cáo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn đã cơ bản phủ kín. Công tác phát triển nhà ở tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm. Tính đến ngày 30/11/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 95 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 28.538,9 tỷ đồng; điều chỉnh 102 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 41.872,4 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD. Tính đến ngày 30/11/2022, toàn tỉnh đã thành lập mới 1.953 doanh nghiệp, tăng 10,83% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng số vốn đăng ký 22.125 tỷ đồng; có 850 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 122 doanh nghiệp so cùng kỳ 2021.

Làm tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội

Tỉnh tiếp tục giữ vững thành tích chất lượng giáo dục mũi nhọn, thuộc tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Công tác giáo dục nghề nghiệp có đổi mới, đạt kết quả tích cực; dự kiến cả năm 2022, số lượng tuyển sinh đạt 96% kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67,7%, trong đó, tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ 27,4%.

Ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đổi mới cơ chế phục vụ, lấy bệnh nhân làm trung tâm và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, từng bước số hóa các hoạt động khám, chữa bệnh để tạo bước “đột phá” trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ. Công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, an toàn lao động tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt. Ước cả năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 45.000 người, tăng 11,68% so với năm 2021. Kịp thời triển khai thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, vùng miền đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh từng bước đổi thay theo hướng phát triển toàn diện.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm, quyết liệt chỉ đạo. Kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của Nghệ An thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt chỉ số cao nhất cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 01 bậc so với năm 2020 và đạt thứ hạng cao nhất từ trước đến nay); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 15 bậc (từ thứ hạng 48/63 lên thứ hạng 35/63).

Các cơ quan, địa phương tích cực triển khai Đề án số 06/CP của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; hoạt động đối ngoại và công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đảm bảo; nhân dân tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, CCHC, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển

Năm 2023, mục tiêu tổng quát được xác định gồm: Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh gắn với tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với cơ cấu lại kinh tế, hướng đến chuyển biến thực chất, rõ nét mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trọng điểm; triển khai thực hiện hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo đảm công tác an sinh xã hội. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chú trọng các vấn đề phát triển vùng và chủ động liên kết vùng, tiểu vùng. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.

Năm 2023, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9-10%; thu ngân sách nhà nước đạt 15.857 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 56-57 triệu đồng; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 05 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu; 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới...

Để đạt được các mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ; phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển vùng với các địa phương; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội./.

Theo Kim Oanh - nghean.gov.vn