Kế hoạch được xây dựng nhằm duy trì phong trào hiến máu tình nguyện phát triển bền vững, sâu rộng, có hiệu quả, trở thành nét đẹp văn hóa, nghĩa cử cao đẹp của mỗi người dân; tổ chức các buổi tiếp nhận máu đảm bảo an toàn, tạo được tâm lý thoải mái, tin tưởng cho người hiến máu.

Theo đó, năm 2023, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Nghệ An dự kiến kế hoạch tiếp nhận máu với số lượng là 37.000 đơn vị máu, đạt 1,1% dân số tham gia hiến máu (trong đó có 500 đơn vị máu dự phòng). Các chỉ tiêu cần đạt như: Số người hiến máu tình nguyện đạt 40.700 người (tăng 10% số đơn vị máu cần); số người đăng ký hiến máu đạt 61,050 người (tối thiểu gấp 1,5 lần số người hiến máu); số người vận động đạt 91.575 người (gấp 15 lần số người đăng ký); số đợt tiếp nhận máu đạt 96 đợt.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền đa dạng dưới nhiều hình thức như phát tờ rơi, pano, áp phích, nói chuyện, triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đài Phát thanh Truyền hình và các cơ quan báo chí; truyền thông giáo dục sức khỏe, làm cho người dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có những hiểu biết cơ bản về hiến máu và bảo đảm an toàn để mọi người thực sự an tâm khi hiến máu. Đồng thời, tổ chức mít tinh, diễu hành nhân các ngày Lễ: “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 07/4”; “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6”, Chiến dịch “những giọt máu hồng”…; nhân rộng các mô hình “Câu lạc bộ hiến máu”, “Câu lạc bộ ngân hàng máu sống” trong các tổ chức Đoàn, Hội, trường học nhằm tăng số lượng tình nguyện viên cho “Ngân hàng máu sống” để đảm bảo tính chủ động nguồn máu trong các tình huống cấp bách và thảm họa xảy ra.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh đề ra các giải pháp như: Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp; có chương trình, kế hoạch và nội dung tập huấn, bồi dưỡng về công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện. Cùng với đó, triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác hiến máu tình nguyện, xây dựng quy chế tôn vinh, khen thưởng để kịp thời tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có những thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện.

Các cơ quan, đơn vị tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng như các chuyên đề, phóng sự, tọa đàm, quảng cáo trên truyền hình, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hiến máu tình nguyện; xây dựng các loại hình câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, lực lượng hiến máu dự bị, câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh (-) mở rộng đối tượng tham gia hiến máu xuống tận các thôn (xóm), phường (xã) trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức các ngày hội hiến máu ở các cấp theo kế hoạch và các ngày hội nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm, dịp hè…; tăng cường công tác tiếp nhận máu lưu động, đặt các điểm tiếp nhận máu cố định tại Bệnh viện để thuận tiện cho việc đi lại của người hiến máu…

Để thực hiện tốt Kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện năm 2023, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh giao các thành viên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức triển khai kế hoạch. Trong đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh làm đầu mối phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các bộ phận phụ trách các cơ sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong việc thực hiện kế hoạch.

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các huyện, thành, thị và các đơn vị theo dõi, giám sát, tổng hợp, báo cáo số liệu, tiến độ thực hiện, những kiến nghị đề xuất cho Ban Chỉ đạo của tỉnh thông qua Văn phòng Thường trực (đặt tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh) định kỳ 06 tháng một lần hoặc báo cáo đột xuất (nếu có)./.

Theo PV - nghean.gov.vn