Về phía tỉnh, tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

a-1671517663.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trường cho biết: Với việc thực hiện các Chương trình MTQG, nhìn chung đến nay tỉnh Nghệ An đã hoàn thiện tổ chức bộ máy; ban hành kế hoạch thực hiện; ban hành nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ; giao vốn cho các cơ quan, đơn vị; giao danh mục dự án chi tiết; đồng thời cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của địa phương phải ban hành theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Tuy thời gian tới còn rất nhiều công việc cần thực hiện nhưng về cơ bản tỉnh Nghệ An đã đảm bảo hoàn thành xây dựng các văn bản pháp lý để tạo điều kiện cho các đơn vị tích cực triển khai thực hiện các Chương trình MTQG vào năm 2023.

b-1671517690.jpg
Đ/c Nguyễn Văn Trường – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT báo cáo kết quả bố trí nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG

Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 03 chương trình MTQG được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An là 4.931,108 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2022, Nghệ An là một trong 06 tỉnh đầu tiên trong cả nước đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phân bổ vốn thực hiện 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các đơn vị để triển khai thực hiện, đáp ứng tiến độ do Thủ tướng Chính phủ giao.

Năm 2022, tổng dự toán vốn ngân sách Trung ương của 03 Chương trình MTQG được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An là 1.788,252 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 1.295,541 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 492,711 tỷ đồng.

Đến ngày 19/12/2022, HĐND tỉnh đã phân bổ dự toán vốn ngân sách Trung ương năm 2022 chi tiết đến danh mục dự án, tiểu dự án thành phần và nội dung, đơn vị.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình MTQG

Mặc dù tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, tuy nhiên thực tế còn có nhiều khó khăn khách quan dẫn đến đết quả thực hiện chưa đạt như kỳ vọng. Đơn cử, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP yêu cầu các địa phương ban hành rất nhiều quy định để thực hiện trong phạm vi của tỉnh trong khi thực tế địa phương chưa có tiền lệ triển khai cũng như chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương, nếu thực hiện sẽ dẫn đến mỗi địa phương có quy định khác nhau, không thống nhất trong phạm vi cả nước.

c-1671517726.jpg
Đ/c Vi Văn Sơn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững, việc triển khai cơ chế đặc thù tại địa bàn tỉnh Nghệ An và một số địa phương là rất khó thực hiện. Bởi 02 Chương trình này triển khai trên địa bàn khó khăn, điều kiện dân trí thấp; tính khả thi khi yêu cầu sự tham gia của người dân trong quá trình lập hồ sơ, tổ chức thi công xây dựng, bảo trì công trình là khó đảm bảo. Cùng với đó, chỉ có một số loại công trình được áp dụng thực hiện theo cơ chế đặc thù (như đường giao thông, nhà văn hóa...), trong khi việc lựa chọn danh mục ưu tiên đầu tư của chương trình là do người dân và cơ sở đề xuất.

Theo quy định việc lựa chọn dự án đầu tư phải đảm bảo trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, đối với tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo quy định chỉ đầu tư công trình cấp huyện, liên xã nên việc bắt buộc phải quy định tỷ lệ dự án phải áp dụng cơ chế đặc thù là chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các địa phương.

Đến giữa năm 2022, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định giao kế hoạch vốn Ngân sách Trung ương, các địa phương mới có cơ sở để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Trong khoảng thời gian ngắn, số lượng văn bản hướng dẫn rất lớn (hơn 78 Nghị định, Thông tư hướng dẫn), khối lượng công việc cần triển khai rất nhiều, công tác triển khai thực hiện cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp; do đó công tác chỉ đạo điều hành thực hiện ở các cấp vẫn còn nhiều lúng túng.

Các dự án đề xuất lại chủ yếu là dự án khởi công mới, nhất là các dự án thuộc Chương trình mới như Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do đó phải thực hiện lập, thẩm định, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, cần mất nhiều thời gian nên đã ảnh hưởng đến việc bố trí vốn chi tiết để triển khai thực hiện.

Việc tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc các Chương trình MTQG phải theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương chủ quản Chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số văn bản chậm ban hành (một số thông tư đến tháng 9, tháng 10/2022 mới được ban hành) nên các địa phương phải chờ, lúng túng trong việc triển khai, chậm triển khai hoặc không triển khai được.

Đề nghị sớm ban hành các Văn bản hướng dẫn chi tiết các nội dung

Để bảo đảm tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương trong quá trình triển khai các Chương trình MTQG, tỉnh đề nghị Đoàn Giám sát báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 theo hướng bỏ các quy định bắt buộc địa phương ban hành các cơ chế, chính sách và các quy định việc thực hiện các dự án đặc thù thuộc các chương trình MTQG.

Đồng thời đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các Văn bản hướng dẫn chi tiết các nội dung khó khăn, vướng mắc đã nêu ở trên, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực hiện...

d-1671517758.jpg
Đ/c Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế báo cáo việc xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế

Trao đổi tại buổi làm việc, thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh Nghệ An. Trao đổi một số nội dung cụ thể trong thực hiện từng Chương trình, các đại biểu tập trung cho ý kiến về định mức hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương đối với một số nội dung, như: Định mức diện tích đất sản xuất; định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc - thiểu số... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi rõ hơn về chỉ tiêu xây dựng các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cũng như lộ trình xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh nông thôn mới.

e-1671517783.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – Trưởng Đoàn Giám sát ghi nhận và đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế với mức 9,08%; hoàn thành 27/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An trong năm 2022 – một năm có nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng từ tình hình thế giới.

Đối với việc triển khai các Chương trình MTQG, Nghệ An đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, chặt chẽ. Điều này được thể hiện qua việc HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện; thông qua danh mục dự án chi tiết cho các dự án thuộc 03 Chương trình MTQG... Việc chậm triển khai một số nội dung có nguyên nhân do các Bộ, ngành Trung ương ban hành thể chế chậm...

Trong thời gian tới, Nghệ An cần tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp khi có biến động để triển khai thực hiện Chương trình MTQG được sát; đồng thời, quy trách nhiệm cụ thể cho các thành viên của Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để số xã còn lại về đích NTM, tiến tới xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh NTM. Các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao cần phải duy trì các tiêu chí và hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Để có nguồn lực xây dựng NTM, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tỉnh cần huy động nguồn xã hội hóa, huy động nguồn lực trong dân nhưng cần lưu ý không được huy động quá sức dân và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, bên cạnh tập trung hỗ trợ cho các hộ nghèo cần phải quan tâm đến các hộ cận nghèo thông qua hỗ trợ vốn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tạo sinh kế cho người dân; sử dụng nguốn vốn đúng mục tiêu, hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả.

Với những nội dung trao đổi tại buổi làm việc, các kiến nghị đề xuất của tỉnh Nghệ An, Đoàn Giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

f-1671517808.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu

Tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn Giám sát và ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ mong muốn sau cuộc giám sát, nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các Chương trình MTQG tại địa phương sẽ sớm được tháo gỡ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết Nghệ An đã chỉ đạo rất quyết liệt, làm được một số việc, tuy nhiên kết quả thực hiện các Chương trình MTQG chưa đạt được như kỳ vọng. Tỉnh sẽ tiếp tục cố gắng để thực hiện đảm bảo tiến độ cũng như hiệu quả các Chương trình MTQG, đưa kinh tế - xã hội Nghệ An ngày càng phát triển bền vững./.

Theo Phan Quỳnh - nghean.gov.vn