Trung Quốc, Đức và Pháp có thể cùng nhau hỗ trợ phát triển châu Phi trong khuôn khổ “bốn bên”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất như vậy với các đối tác châu Âu trong một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 5/7.
Ý tưởng hợp tác 4 bên về châu Phi – còn gọi là “Bộ Tứ châu Phi” (Africa Quad) – được đưa ra dưới hình thức lời mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham gia Sáng kiến Đối tác vì sự phát triển của châu Phi, một cơ chế mà Trung Quốc đã triển khai với các nước châu Phi hồi tháng 5 vừa qua.
Cuộc thảo luận giữa ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Pháp, Đức ngày 5/7 là cuộc họp đầu tiên với các nhà lãnh đạo nước ngoài sau dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7 vừa qua.
Tại cuộc thảo luận, ông Tập nhấn mạnh rằng, thế giới cần sự tôn trọng lẫn nhau, hợp tác chặt chẽ hơn là sự nghi ngờ và trò chơi có tổng bằng 0.
Trung Quốc và châu Âu cần “xem xét những bất đồng của nhau theo cách đúng đắn, giải quyết phù hợp, đảm bảo mối quan hệ giữa 2 bên sẽ ngày càng phát triển”, ông nói.
Pháp và Đức tích cực xem xét khả năng hợp tác
Một trong những khía cạnh hợp tác mà ông Tập đề xuất là về châu Phi. Ông Tập nhấn mạnh rằng, châu Phi là khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như phục hồi nền kinh tế, nhưng đây cũng là châu lục có tiềm năng phát triển lớn nhất.
Trung Quốc đã và đang cung cấp vaccine cho hơn 40 nước châu Phi và hiện đang hỗ trợ đẩy mạnh năng lực sản xuất vaccine tại khu vực này. Trung Quốc đã ký hoặc đạt thỏa thuận gia hạn nợ với 19 nước châu Phi.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đề nghị châu Âu cung cấp nhiều vaccine hơn cho các nước châu Phi và trợ giúp khu vực này đối phó với các áp lực nợ công.
Ngoài ra, Trung Quốc hoan nghênh Pháp, Đức tham gia Sáng kiến Đối tác vì sự phát triển của châu Phi và tiến hành hợp tác 3 bên, 4 bên hoặc đa phương.
Theo Tân hoa xã, Tổng thống Macron nói rằng Pháp sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc về vấn đề tài chính và giáo dục ở châu Phi, trong khi Thủ tướng Merkel nói rằng Đức sẽ xem xét một cách tích cực khả năng tham gia sáng kiến của Trung Quốc.
Các bản thông cáo của Pháp và Đức về cuộc họp với phía Trung Quốc không đề cập tới đề xuất “Bộ Tứ”, nhưng Điện Elysee nói rằng Pháp và Đức “hoan nghênh cam kết của Trung Quốc về đóng góp vào việc tái cơ cấu nợ cho các nước châu Phi”, đồng thời nhấn mạnh, “giờ là lúc cần phải thực hiện sáng kiến này”.
Lãnh đạo Pháp và Đức cũng cho rằng việc phát triển năng lực sản xuất dược phẩm ở châu Phi là một “ưu tiên”.
Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 5/7 là cuộc họp 3 bên đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Pháp, Đức kể từ tháng 4/2021. Cuộc họp diễn ra sau khi các nước G7 ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc, đồng thời triển khai sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn nhằm đối trọng với sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Vì sao là Pháp và Đức mà không phải Anh?
Việc ông Tập lựa chọn thảo luận với Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron mà không phải Thủ tướng Anh Boris Johnson, được cho là do Trung Quốc nhận thấy có khoảng cách nhất định giữa 2 cường quốc châu Âu và Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc.
Cuộc thảo luận cũng diễn ra trong bối cảnh, thương mại của Pháp và Đức với Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại so với 1 năm trước. Theo các số liệu chính thức, Thương mại của Đức với Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 36% lên 92,8 tỷ USD, trong khi của Pháp với Trung Quốc tăng 44% lên 32,9 tỷ USD.
Cả 2 nước đều có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đức chiếm 40% doanh số ô tô Volkswagen. Trung Quốc cũng là thị trường chủ chốt của thực phẩm và các nhãn hàng cao cấp của Pháp.
Cũng chính vì các yếu tố này, Berlin và Paris coi thị trường Trung Quốc là thiết yếu đối với sự phục hồi hậu Covid-19. Bắc Kinh cũng nhận thức rõ điều đó.
Cuộc họp 3 bên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc có kế hoạch tổ chức Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi tại Senegal trong năm nay, lần đầu tiên sự kiện 3 năm một lần này được tổ chức tại Tây Phi. Diễn đàn này thường là nơi Trung Quốc công bố các kế hoạch đầu tư lớn vào châu Phi.
Cuộc đua không chỉ có Trung Quốc
Đối với chính quyền Biden, việc bắt kịp các cam kết cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở châu Phi sẽ là một khó khăn. Tuy nhiên, ông Judd Devermont, Giám đốc chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington nói rằng vẫn có nhiều cách để Mỹ dẫn dắt sự phát triển ở châu Phi.
“Chúng ta cần phải hợp tác với nhau. Mỹ có sức mạnh đáng kể trong việc tập hợp và xây dựng các liên minh và chúng tôi đã làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Pháp và các nước khác đang thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng”, ông Devermont, cựu Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia phụ trách Somalia, Nigeria, khu vực Sahel và Liên minh châu Phi nói.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng không phải là nước duy nhất tìm cách thiết lập các mối quan hệ đối tác mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày 6/7, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương đầu tiên, với sự tham gia của 45 quốc gia trong đó có Mỹ, Australia, Pháp, Kenya, Sri Lanka và Fiji.
Tại phiên khai mạc hội nghị 3 ngày, ông Jaishankar nói rằng, khu vực này phản ánh thực thế của toàn cầu hóa, sự nổi lên của thế giới đa cực và các lợi ích của tái cân bằng.
Cũng tại Hội nghị này, bà Riva Ganguly Das, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông, nói rằng tầm nhìn của Ấn Độ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực tự do, cởi mở và bao trùm. Khi đặt ra tầm nhìn về khu vực này, Ấn Độ đã nêu rõ rằng phạm vi địa lý của nó còn bao trùm cả châu Phi và mở rộng sang châu Mỹ.
“Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự tập trung ngày càng tăng vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nối châu Phi, châu Á, bờ biển Thái Bình Dương của Á-Âu, châu Đại Dương và bờ biển Thái Bình Dương của châu Mỹ”, bà Das nói thêm./.