t-1697875242.jpg
Các đại biểu xem Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung năm 2019 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An

Tùy vào góc độ nhìn nhận, đánh giá, mỗi người sẽ có một cách trả lời khác nhau nhưng có thể thấy dẫu thị trường mỹ thuật Việt hiện còn chưa có tính chuyên nghiệp nhưng đã và đang chuyển mình theo hướng tích cực, mở ra nhiều hy vọng cho tương lai. Trong bối cảnh chung đó, mỹ thuật Nghệ An cũng có ít nhiều tín hiệu lạc quan nhưng để nói về một thị trường mỹ thuật hẳn sẽ còn là câu chuyện dài.

Có hay không thị trường mỹ thuật Nghệ An?

Một số người cho rằng việc đề cập đến thị trường mỹ thuật là quá xa xôi với thực trạng tại Nghệ An bởi vốn dĩ nó chưa hình thành. Nhận định đó không phải không có cơ sở bởi xét đến những yếu tố tạo thành một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa thì chúng ta còn thiếu vắng.

tt-1697875260.jpg
Họa sĩ Trọng Hiệp trò chuyện về thị trường tranh

Trước hết, tại Nghệ An hiện chưa có bất kỳ gallery nào để thường xuyên trưng bày, triển lãm, giới thiệu tranh đến với khách hàng. Chúng ta chưa có những sàn đấu giá, điểm giao dịch để mua bán tranh. Quan trọng nhất là ta chưa có những người có khả năng thẩm định giá trị tranh chuyên nghiệp. Chính những người trong cuộc là các họa sỹ vẫn chưa tiếp cận với thị trường mỹ thuật, tư duy còn cũ mòn. Họ chưa để tâm đến việc sáng tác tranh để bán và cũng chưa quan tâm nhiều đến tác quyền, đến định giá các bức tranh mình vẽ ra. Chúng ta cũng thiếu vắng những nhà sưu tập tranh, những khách hàng mua tranh. Họa sỹ Hồ Huy Hùng cho biết: “Thực sự chưa có gì để nói nhiều về thị trường mỹ thuật Nghệ An vì người mua tranh rất ít. Người ta sẵn sàng bỏ hàng chục, hàng trăm triệu để mua tặng nhau những món quà đắt tiền như rượu ngoại, cây cảnh,… nhưng bỏ tiền mua tranh tặng nhau thì không. Các họa sỹ cũng chưa quan tâm đến thị trường, thị hiếu.”

Mặc dù hiện nay đã có những cá nhân, tổ chức, đơn vị mua tranh, tượng trang trí nhà hàng, khách sạn, công sở, nhà riêng hay làm quà tặng đối tác song nhìn chung chưa nhiều và họ chưa hiểu rõ về giá trị của nó. Người mua thậm chí không phân biệt được và không quan tâm đó có phải là tranh chép, tranh giả hay không. Còn lại, với phần lớn người dân, việc nghĩ đến mua tranh trang trí, tặng quà cho nhau là một câu chuyện xa xôi.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị trường đang có những tín hiệu khả quan hơn. Một số họa sỹ đã bán được tranh và tiếp cận với thị trường trong nước. Họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp được biết đến là một họa sĩ Nghệ An tích cực tham gia các sàn giao dịch tranh và bán được khá nhiều tranh. Ông cho biết tranh của ông đã bán cho nhiều nhà sưu tập, cá nhân ở nhiều địa phương như: Nghệ An, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh. Một số nhà sưu tập hiện đã chủ động liên hệ với ông để tìm mua mà không cần phải giới thiệu. Không chỉ ông mà một số họa sỹ trẻ ở Nghệ An hiện bán được khá nhiều tranh. Họa sĩ Hồ Huy Hùng cũng cho biết, khách hàng mua tranh của anh chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác.

Các nhà hàng, quán cà phê, nhà riêng ngày nay có xu hướng trang trí bằng tranh, tác phẩm điêu khắc,… nhiều hơn so với trước đây. Đặc biệt, khi điều kiện kinh tế phát triển, người ta quan tâm hơn đến việc trang trí và dành thời gian tiếp cận với nghệ thuật cũng như tạo điều kiện để con cái mình được tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật.

Với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ, các họa sỹ giờ đây có thể tự quảng bá tranh của mình trên trang cá nhân, tham gia sàn đấu giá, giao dịch trực tuyến. Nghĩa là không gian thị trường được mở rộng, ranh giới phần nào được xóa nhòa, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các họa sỹ địa phương.

Vì sao thị trường còn bỏ ngỏ?

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường hiện nay vẫn trong tình trạng giậm chân tại chỗ, thậm chí chưa nhiều người quan tâm đến sự tồn tại của nó. Trước hết, từ phía cầu. Người mua tranh, chơi tranh, xem tranh là mặt hàng có giá trị để mua bán trao đổi còn rất hiếm. Phần lớn người dân còn khá xa lạ với mỹ thuật và chưa được trang bị nhiều kiến thức về mỹ thuật.

Từ phía cung, các họa sỹ tại Nghệ An hiện nay chưa có nhiều người quan tâm đến việc bán tranh, tượng,.... Họa sỹ Nguyễn Trọng Hiệp chia sẻ: “Họa sĩ Nghệ An ít người vẽ quá. Chỉ có một số người hiện nay vẫn luôn chuyên tâm, cần mẫn sáng tác như Hồ Thiết Trinh, Trần Minh Châu, Nguyễn Đình Truyền,... Còn lại sáng tác theo kiểu rất ngẫu hứng, thi thoảng mới vẽ. Chúng ta cũng có một đội ngũ đông đảo các giáo viên mỹ thuật trên toàn tỉnh nhưng họ ít đầu tư vẽ”. Đó là lý do nguồn tranh trên thị trường không nhiều, chưa nói đến chất lượng tranh thế nào. Từ góc nhìn của một họa sĩ trẻ, Hồ Huy Hùng lại cho rằng các họa sỹ hiện nay phần nhiều chưa chú ý xây dựng thương hiệu cá nhân, chưa chú trọng đến thị hiếu, thị trường. Đặc biệt, họ chưa có tư duy sống bằng mỹ thuật, chưa tiếp cận với thị trường mỹ thuật. Các họa sỹ cũng chưa kết nối với nhau để trao đổi, chia sẻ thông tin, tạo nên một kênh mua bán tranh uy tín.

Lý do còn lại nằm ở cơ chế chính sách, ở những hạn chế trong việc tạo môi trường cho mỹ thuật phát triển. Chúng ta quá thiếu vắng các cuộc triển lãm tranh, thiếu những phòng trưng bày. Hiện nay, hàng năm chỉ có một đến vài cuộc triển lãm nhỏ của Ban Mỹ thuật tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. 6 năm có một lần tổ chức triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung (tổ chức thường niên, luân phiên 6 tỉnh) và mấy chục năm trở lại đây chỉ có khoảng 4-5 triển lãm tranh cá nhân và nhóm tác giả được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Thông tin về những buổi triển lãm cũng rất hạn chế, chủ yếu là người trong nghề biết và đến dự. Công chúng gần như vắng bóng.

Khi mảnh đất dành cho nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng còn khô cằn, người gieo hạt lại chưa chuyên tâm, thiếu nhiệt huyết và ngại thay đổi thì rõ ràng không thể có được vụ mùa tốt.

Làm gì để thay đổi?

“Cần có người tiên phong, đủ nhiệt huyết để kết nối các họa sỹ với mục đích chung là phát triển thị trường mỹ thuật trong tỉnh. Các họa sỹ cần xem lại quá trình sáng tác của mình, chú trọng xây dựng thương hiệu cá nhân, dung hòa được giữa phong cách, cá tính riêng với nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người mua. Đặc biệt, cần tạo nhiều sân chơi hơn cho các họa sỹ và tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận với mỹ thuật”. Đó là ý kiến và cũng là mong muốn của họa sỹ trẻ Hồ Huy Hùng. Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Trọng Hiệp nhấn mạnh về việc thay đổi tư duy và thái độ làm nghề của họa sỹ. Ông cho rằng muốn hướng đến chuyên nghiệp thì họa sỹ phải sống được bằng nghề. Và, trước hết, họa sỹ phải lao động thực sự nghiêm túc, tích cực. Họa sỹ Trọng Hiệp cũng đánh giá chúng ta không thiếu những không gian có thể trưng bày, triển lãm tranh và nên tổ chức nhiều triển lãm hơn, thông tin rộng rãi hơn để công chúng được tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật. Ban Mỹ thuật của Hội VHNT tỉnh cũng nên có sinh hoạt chuyên môn hàng tháng để trao đổi về hội họa cũng như xây dựng thị trường tranh bởi bán được tranh là một động lực để các họa sỹ tích cực sáng tác hơn.

Có lẽ hai ý kiến trên đã nói lên khá rõ những gì cần thay đổi hiện nay. Đó là sự thay đổi đồng bộ từ cơ chế, chính sách cho văn hóa nói chung, mỹ thuật nói riêng đến thay đổi cách nghĩ, cách làm, thay đổi tư duy của họa sỹ lẫn công chúng. Bên cạnh đó, chúng ta phải quan tâm hơn đến đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ; quan tâm vấn đề tác quyền và bổ sung đội ngũ thẩm định giá trị tranh chuyên nghiệp, tạo dựng không gian cho giao lưu, trao đổi, mua bán tranh. Việc dạy học mỹ thuật trong các nhà trường cũng cần được quan tâm, thay đổi theo hướng thực chất, sáng tạo để tương lai sẽ có những thế hệ được trang bị đầy đủ, căn bản kiến thức về mỹ thuật, nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật cho công dân.

ttt-1697875290.jpg
Các hoạ sĩ trẻ tham dự triển lãm tranh tại Hội VHNT tỉnh

Một vấn đề cũng cần được quan tâm là công tác truyền thông. Các hoạt động mỹ thuật, các cuộc triển lãm cần được tổ chức thường xuyên hơn song quan trọng là cần được thông tin rộng rãi đến công chúng không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn ở các tỉnh, thành khác trên cả nước để người quan tâm có thể tìm đến tham dự. Hiện nay chúng ta có rất nhiều kênh thông tin khác nhau để truyền tải nhưng lại chưa khai thác nó một cách hiệu quả.

Hôm nay đây, khi đề cập đến một thị trường mỹ thuật ở Nghệ An sẽ có những người cảm thấy bỡ ngỡ, sẽ có người bỗng dưng bật cười hay ngậm ngùi…nhưng tin chắc rằng với những tín hiệu khả quan hiện tại chúng ta sẽ sớm thấy sự thay đổi. Đặc biệt, nếu chúng ta có đủ quyết tâm để làm những việc cần làm mà ít nhiều đã được đề cập trong bài viết này thì chắc chắn, một tương lai không xa, thị trường mỹ thuật Nghệ An sẽ đơm hoa kết trái.