maybaychiendaurt-crop-1646127133139-1646615977.jpeg
Các máy bay chiến đấu MiG-29 (Ảnh: RT)

Trong cuộc phỏng vấn với CBS News hôm 6/3, khi được hỏi liệu các nước thành viên NATO có thể bắt đầu đưa máy bay đến Ukraine hay không, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết "điều đó đã được bật đèn xanh".

Nhà ngoại giao Mỹ nói rằng Washington đã làm việc với các quan chức Ba Lan để xem xét kế hoạch "bù đắp" bất kỳ máy bay nào do nước này gửi đến Ukraine - có nghĩa là Mỹ sẽ thay thế mỗi máy bay Ba Lan chuyển cho Ukraine bằng một máy bay của Mỹ.

Trước đó, 2 nhà lập pháp Mỹ tham gia họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông Zelensky nói rằng Ba Lan dường như đã phát đi tín hiệu sẽ gửi máy bay dòng MiG cho Ukraine, nhưng Ba Lan vẫn "đang đợi Mỹ chấp nhận phương án này".

Wall Street Journal hôm 5/3 dẫn các nguồn tin cho biết, Mỹ dường như đang cân nhắc sẽ chuyển máy bay F-16 cho Ba Lan để bù đắp nếu Ba Lan chuyển máy bay MiG cho Ukraine. Phương án này cần sự thông qua của Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ.

Tổng thống Zelensky đã kêu gọi NATO và phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho nước này để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Ông Zelensky cũng kêu gọi thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine, đồng thời cho biết nếu "Mỹ không thể làm như vậy, ít nhất hãy chuyển máy bay cho Ukraine".

Cả Mỹ và NATO đều không có kế hoạch lập vùng cấm bay, đồng thời nhiều lần tuyên bố sẽ không gửi quân tới Ukraine. Phương Tây lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột trực diện với Nga trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine cho đến nay vẫn được xem là phương án phức tạp. Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết đưa máy bay chiến đấu tới Ukraine vào cuối tháng trước, nhưng phải đối mặt với hai trở ngại lớn: đầu tiên là tìm kiếm máy bay mà phi công Ukraine có thể vận hành, sau đó tìm các quốc gia sẵn sàng chuyển giao máy bay từ sân bay của họ.

Ba Lan tuyên bố sẽ không gửi máy bay đến Ukraine cũng như cho phép các sân bay của họ được sử dụng để chuyển giao máy bay. Bulgaria và Slovakia sau đó tuyên bố họ sẽ không tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào. Điều này có thể làm "phá sản" kế hoạch của EU nhằm cung cấp khí tài cho Ukraine.

Ông Josep Borrell, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, ngày 27/2 cho biết ngoại trưởng của các nước thành viên EU đã nhất trí gửi 450 triệu Euro viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, một khoản viện trợ khác trị giá 50 triệu Euro cũng được cung cấp cho mục đích trang bị vũ khí không sát thương. Gói viện trợ quân sự của EU còn bao gồm cung cấp máy bay chiến đấu cho lực lượng không quân Ukraine.

Mỹ và các nước châu Âu vẫn đang tích cực viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hôm 24/2. Ngoại trưởng Mỹ ngày 26/2 thông báo Washington sẽ hỗ trợ số vũ khí trị giá 350 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp Kiev đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga./.