Nghệ An là một tỉnh có nhiều nghề thủ công truyền thống. Các làng nghề đã hình thành, tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển thăng trầm của lịch sử. Xuất phát từ việc tranh thủ khoảng thời gian nông nhàn trong sản xuất, đồng thời tận dụng nguồn nguyên vật liệu tại địa phương, người nông dân đã làm ra các sản phẩm thủ công nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của chính bản thân, gia đình. Dần dần, việc sản xuất các sản phẩm thủ công được phát triển và chuyên môn hóa, các sản phẩm sản xuất ra được đem đi trao đổi, buôn bán, tạo thành hàng hóa.
 
Nghề mộc: là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời nhất. Nghề Mộc ra đời gắn liền với các hoạt động như làm nhà, làm đồ gỗ gia dụng, đóng thuyền, bè, phương tiện sản xuất phục vụ cho cuộc sống. Đi tất cả các vùng miền trong tỉnh Nghệ An, nơi đâu cũng có nghề mộc, có thợ mộc. Nghề mộc đã tổ chức thành các phường hội và làm ăn rất thịnh vượng. Trong đó, có những làng nổi tiếng như: làng Nam Hoa (nay thuộc xã Nam Hoành) huyện Nam Đàn: Đồn rằng thợ mộc Nam Hoa, làm cửa làm nhà, cầu quán khéo tay!... Tài nghệ của thợ mộc nơi đây đã được ghi chép lại trong Nam Hoa mộc tượng ký. Hay như câu: Thợ cưa Chân Lộc thợ mộc Xa Lang. Chân Lộc là huyện Nghi Lộc xưa, còn Xa Lang là một xã thuộc huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Nghi Lộc xưa nổi tiếng với nghề đóng tàu thuyền ở làng Trung Kiên (nay thuộc Thị xã Cửa Lò).

 
Nghề rèn: Nhắc đến nghề rèn phải nói đến nghề rèn ở làng Nho Lâm một thuở (Làng Nho Lâm xưa nay được tách thành ba xã: Diễn Phú, Diễn Lộc, Diễn Thọ thuộc huyện Diễn Châu). Ở Nho Lâm, ngay từ thời văn hóa Đông Sơn, cư dân nơi đây đã biết luyện sắt từ quặng. Dấu vết để lại khá đậm nét đó là những lớp xỉ sắt chất thành đống, có chỗ cao tới 6 - 7m lẫn với than gỗ, tập trung nhất là ở những chỗ gần kênh đào, sông và bến đò thuộc xã Diễn Thọ. Quặng này có khả năng lấy từ núi sắt ở huyện Nghi Lộc cách khoảng 15km, dưới chân núi có đền thờ thần Thiết sơn. Hiện nay trong nhà dân còn giữ nhiều hòn sắt lấy ở lò luyện ra chưa sử dụng.

Những hòn sắt này có hình bầu dục nặng từ 30 - 40kg rất giống với những hòn sắt mà châu Âu gọi là sắt xốp, Trung Quốc gọi là thục thiết, người Nho Lâm gọi là hòn chai hay hòn gối. Ở đây cũng phát hiện được một số dụng cụ dùng trong luyện kim như mực lò, ống bễ, ống trám, ống nóng, gương thụt, chồng, bươi, v.v. Đáng chú ý ở đây có một số sản phẩm lưỡi cày sắt có kiểu dáng khác nhau khá gần gũi với kiểu dáng một số lưỡi cày đồng phát hiện trong các di tích khảo cổ. Đi cùng với những thăng trầm của lịch sử, cư dân Nho Lâm từ thế hệ này đến thế hệ khác vẫn duy trì và phát triển nghề luyện sắt, nghề rèn truyền thống. Đến thời kỳ thuộc pháp, khi nền kinh tế tư bản tràn vào, nghề rèn ở Nho Lâm không còn đất dụng võ nữa nên ngưng lại và giải thể dần... Các sản phẩm làm từ nghề rèn chủ yếu là những công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như dao, cuốc, thuổng, liềm, cày…

 
Nghề nung vôi: Khắp các vùng miền ở xứ Nghệ đều có nghề nung vôi thủ công, nhưng nổi tiếng nhất là nghề nung vôi thủ công truyền thống ở thôn Vân Tập, huyện Đông Thành (nay là thôn Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu).
 
Vân Tập đập đá nung vôi
 
Miệng thì thổi lửa tay lôi rành rành
 
Nghề nung vôi ở thôn Vân Tập, có từ lâu đời, đã hình hành phường và được tổ chức rất chặt chẽ. Đứng đầu là trùm phường, thủ quỹ và các hội viên. Tất cả các hoạt động, giao dịch của phường đều do trùm phường phân công, quản lý, từ việc cung cấp vôi phục vụ cho việc xây dựng các công trình lớn trong vùng như: đình, đền, chùa, miếu đến việc phân công bán vôi lẻ trong các phiên chợ… Hàng năm quỹ phường được dùng để tổ chức lễ tế Tổ sư và giúp đỡ những hội viên khó khăn.
 
Ngày nay, do nhiên vật liệu cạn kiệt, hơn nữa vôi chỉ để phục vụ cho sản xuất như khử độ chua của đất trồng, vệ sinh các chuồng trại chăn nuôi…, còn trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu như xi măng đã thay thế, nên nghề nung vôi trong tỉnh chỉ mang tính chất theo mùa vụ và mục đích duy trì nghề truyền thống của làng.

 
Nghề mây tre đan: Xuất phát từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đồng thời tận dụng quỹ thời gian nông nhàn do đặc trưng của nghề sản xuất nông nghiệp đem lại, nghề mây tre đan ra đời. Ở Nghệ An, hầu hết làng quê nào cũng có nghề mây tre đan, nhưng phổ biến nhất là những vùng quê thuần nông, ven các sông suối, trong đó tiêu biểu các làng quê như: Yên Hòa, Trung Mỹ, Yên Duệ, Yên Xá, Mỹ Lộc thuộc huyện Nghi Lộc; làng Xuân Nha huyện Hưng Nguyên. Từ cây tre, qua bàn tay khéo léo của người thợ, tre được chẻ (róc tre), vót nan, chẻ lạt, đánh vòng, đan. Ban đầu chỉ là những vật dụng đơn giản dùng trong gia đình như thúng, mẹt, rổ, rá, dần, sàng… dần dần nâng lên như chõng, giường, cũi, bàn, ghế .v.v. từ những sản phẩm thủ công giản đơn, dần dần nâng cao tính thẩm mỹ trong các sản phẩm. Mây tre đan trở thành sản phẩm hàng hóa trao đổi, bán ra thị trường.
 
Nghề làm muối: Ở Nghệ An nghề làm muối chủ yếu tập trung ở các làng xã ven biển, tiêu biểu như huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Nghề làm muối có từ bao giờ, tổ sư là ai thì không ai nhớ. Theo PGS Ninh Viết Giao: bà con ở làng Tiên Yên xã Quỳnh Bá cho rằng: Nghề muối ở làng là do một người họ Nguyễn từ huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) vào cư trú rồi truyền nghề. Hay tộc phả họ Hồ Công thế kỷ XIV ở Thượng Yên ghi lại: khi đến Thượng Yên ông Hồ Công Hân cùng dân làng phía trên đắp đê làm ruộng, phía dưới khai phá làm muối… Theo Hippolyte Le Breton trong An Tĩnh cổ lục thì vào thế kỷ XV, ở vùng Cửa Xá (nay là Thượng Xá), Nguyễn Hội đã cùng với dân làng lập nên những nại muối lớn và trở nên giàu có. Các nại muối tồn tại đến những năm 30 của thế kỷ XX, do phù sa bồi lấp…
 
Riêng vùng Diễn Châu và Quỳnh Lưu, nghề làm muối có từ lâu đời. Muối làm ra ngoài phục vụ cho gia đình, vùng lân cận còn làm sản phẩm giao nộp cho nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, nghề muối cũng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Trong thời kỳ Pháp thuộc, việc sản xuất và tiêu thụ muối hoàn toàn do thực dân Pháp độc quyền. Diêm dân chỉ biết làm quần quật và giao nộp muối đúng kỳ hạn. Cuộc sống đói nghèo luôn đeo đuổi. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt sau ngày đất nước thống nhất nghề làm muối đã có chỗ đứng, trở thành nghề thủ công mang lại việc làm thu nhập ổn định cho người dân.

 
Nghề Đan chiếu: Hưng Hòa là xã ven biển, có nhiều diện tích đất nhiễm mặn (hay còn gọi là nước lợ), thuận lợi để trồng cây cói phục vụ cho nghề đan chiếu truyền thống. Theo lời kể của những già làng nơi đây, nghề đan chiếu cói ở thôn Yên Lưu, xã Hưng Hòa có từ lâu đời, ông tổ là một ông quan người họ Hồ từ miền Bắc vào sinh sống và truyền nghề cho nhân dân. Thôn Yên Lưu (trước đây) thuộc tổng Ngô Trường, huyện Chân Lộc, trấn Nghệ An gồm 5 làng nhỏ: Làng Đăng, làng Mốc, làng Mưng, làng Đông, làng Nghè. Các làng đều vừa làm nông nghiệp vừa trồng cói dệt chiếu.
 
Ở đây có các cánh đồng nước lợ rất phù hợp cho cói phát triển như: Hạ Đoản, Mốc Gon Trong, Mốc Gon Ngoài, Chim Anh, Hói Cống. Tổng diện tích cói là 180 ha. Cói là giống cây trồng có độ sinh trưởng mạnh. Cói trồng một lần, đến khi tốt thì thu hoạch bằng cách cắt tận gốc, sau đó cây tự đâm chồi, phát triển tiếp. Có những đồng cói 30 - 40 năm mới trồng lại một lần. Mỗi năm người trồng cói thu hoạch 2 lần, vào tháng 3 và tháng 7 (âm lịch). Cói đem về được người dân chẻ thành sợi, phơi khô, bó lại thành từng bó nhỏ bằng nắm tay, sau đó dùng sợi cói quấn chặt từ đầu đến cuối bó để khi dệt sợi chiếu thẳng không bị nhăn. Những nắm cói chưa dùng được cất vào kho và thường xuyên kiểm tra, phơi nắng để chống nấm mốc.
 
Ngày nay, cơ chế mở cửa, nhiều loại chiếu xuất hiện trên thị trường như chiếu trúc, chiếu mành… nhưng chiếu cói ở Hưng Hòa vẫn giữ được thương hiệu và duy trì được nghề thủ công truyền thống.

 
Nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt sợi: là nghề thủ công có từ lâu đời ở xã Đặng Sơn - Đô Lương. Với lợi thế từ những bãi cát phù sa, màu mỡ từ dòng Lam giang, Đặng Sơn đã phát triển nghề thủ công truyền thống: trồng dâu nuôi tằm. Về Đặng Sơn vào mùa xuân hè ta sẽ bắt gặp những cánh đồng dâu xanh tươi, bát ngát; tiếng xe quay sợi của những chị, những cô gái nơi đây.
 
Dâu thường được trồng vào mùa xuân khoảng tháng giêng, tháng hai âm lịch. Đến tháng 5, tháng 6 hái lá về nuôi tằm. Dâu nuôi tằm thường là giống dâu nhiều lá, xanh, tốt. Tằm ăn no nhả kén, sau đó người nuôi tằm, quay tơ, lấy sợi, làm hàng hóa bán ra thị trường. Sợi tơ tằm chủ yếu phục vụ cho nghành dệt may trong và ngoài nước.

 
Nghề làm nồi đất: Ở xã Trù Sơn huyện Đô Lương có làng Trù Ú làm nồi đất truyền thống. Làng Trù Ú xưa gọi là Kẻ Trần hay Kẻ Trang, thuộc tổng Bạch Hà huyện Lương Sơn, nay thuộc xã Trù Sơn và Đại Sơn huyện Đô Lương. Nguyên liệu dùng để làm nồi đất là đất sét, nhưng là loại đất có đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt tốt và có độ kết dính cao. Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn. Từ chọn đất, nặn sản phẩm, đánh bóng, hoàn chỉnh sản phẩm, cho vào lò nung… Sau khi sản phẩm đã chín, để lò nguội và đem ra, sắp vào giã đỡ và tiêu thụ dần.

 
Nghề làm ruốc: Ở các huyện đồng bằng ven biển Nghệ An như huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, đều có nghề làm ruốc. Nhưng ngon và lâu đời nhất vẫn là nghề làm ruốc ở Diễn Châu. Nghề làm ruốc là một nghề kết hợp giữa ngư nghiệp và nông nghiệp.
 
Ruốc có thể làm đồ chấm khi ăn kèm với thịt lợn, thịt bò, lòng lợn... cũng có thể cặp mùng, cà, khế; hoặc làm gia vị để nấu dấm, nấu canh, nấu thịt.v.v.

 
Nghề làm nước mắm: Khai thác và tận dụng nguồn lợi từ biển, Diễn Châu không chỉ nổi tiếng bởi ruốc mà còn có nước mắm. Để làm nước mắm, khâu đầu tiên là chọn cá như: cá nục, cá cơm, cá thu, cá hồi… Để nước mắm thơm, ngon, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh, và có độ mặm vừa phải…, người làm phải tuân thủ một công thức pha chế nhất định. Nếu cá còn tươi thường cứ 5 đấu cá 1 đấu muối, sau đó cho vào thùng đóng chặt và ủ. Cá đã ướp ngoài biển thì muối ít hơn. Thời gian ủ từ 9 đến 12 tháng, bao giờ cá thành chợp, ngấu đến độ cuối cùng mới thôi. Sau đó pha chế với thính rang bằng gạo nếp hoặc gạo đỏ không giã và mật mía thắng đặc rồi đổ nước, cho thêm muối quấy đều rồi lóng, nước lóng ấy đem nấu nước mắm.
 
Nước mắm thường dùng để chấm dưa, chấm rau; dùng kho cá, kho thịt. Nhờ có nghề làm nước mắm mà Vạn Phần trở thành một làng giàu có, khá giả…