Trước đó, chị N.H.T.T. (sinh năm 1984, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) tới công an TP HCM trình báo về việc bị các đối tượng chưa rõ lai lịch lừa đảo chiếm đoạt hơn 5,3 tỷ đồng. Theo đó, ngày 1/12/2021, chị phát hiện điện thoại của mình bị mất sóng.

Chị gọi lên tổng đài Viettel thì được nhân viên cho biết sim trong máy của chị đã bị khóa do sim đã được cấp lại. Sau đó, chị T. phát hiện hơn 5,3 tỷ đồng trong tài khoản của mình ở 3 ngân hàng đã được chuyển vào các tài khoản không rõ nguồn gốc dưới hình thức chuyển khoản trực tuyến.

Đơn trình báo của chị T. thể hiện, chị không phải là người yêu cầu cấp lại sim và lúc đó chị vẫn giữ chứng minh thư gốc. Chị đến Viettel yêu cầu trích xuất camera ngày cấp lại sim, yêu cầu gặp nhân viên cấp sim nhưng không được giải quyết và nói rằng camera không lưu, vì lý do bảo mật. Chị T. cũng không hiểu lý do tại sao nhà mạng lại cấp sim mới cho người khác mà không cần CMND, không nhận dạng có đúng người hay không. Sau đó, chị tới công an trình báo sự việc.

img20221101173139-6read-only-16673142162181703953423202211021633592814030-1667396795.jpg
Liên tiếp có cảnh báo từ ngân hàng, nhà mạng nhưng dư luận gần đây vẫn rộ lên nhiều vụ người dân bị lừa, mất tiền tỉ - Ảnh: Đ.THIỆN

Công an vào cuộc điều tra xác định các đối tượng dùng thủ đoạn làm giả chứng minh nhân dân của chị T.. Sau đó, các đối tượng giả danh chị T. để thực hiện đổi sim điện thoại mà chị sử dụng để đăng ký nhận mã OTP khi thực hiện giao dịch internetbanking tại các ngân hàng.

Tiếp đó, các đối tượng dùng số điện thoại này đăng nhập vào 3 tài khoản ngân hàng có chi nhánh ở quận Tân Bình, TPHCM và tỉnh Đồng Nai của chị T. rồi chiếm đoạt số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Quá trình điều tra, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, truy tìm các đối tượng.

Gần đây nhiều người thường xuyên nhận được cuộc gọi từ kẻ xưng là nhân viên nhà mạng di động hỗ trợ nâng cấp SIM 3G lên 4G, 4G lên 5G và kích hoạt eSIM (SIM điện tử trên smartphone) miễn phí. Nhiều người dùng đã bị thuyết phục khi nghe "nhân viên" không những xưng hô đúng tên người dùng mà còn đưa lý do nếu không chuyển đổi, SIM đã dùng lâu ngày có thể bị hỏng dẫn đến mất sóng, sóng chập chờn…

Sau vài thao tác làm theo hướng dẫn của "nhân viên", không ít người đã bị chiếm đoạt mất số điện thoại. Chỉ vài phút sau, các tài khoản email, mạng xã hội, ngân hàng trực tuyến… của nạn nhân cũng bị chiếm. Chưa kịp định thần thì tài khoản ngân hàng trực tuyến đã "bốc hơi" rất nhiều tiền. Có người đã bị mất đến hàng tỉ đồng tiền để trong tài khoản hoặc tiền gửi tiết kiệm điện tử.

Theo nhiều chuyên gia an ninh mạng, nếu người dùng chẳng may bị chiếm đoạt mất SIM điện thoại và tài khoản email, xác suất các tài khoản dịch vụ mạng khác, đặc biệt là tài khoản ngân hàng trực tuyến, cũng bị xâm phạm là rất cao. Khi đó cũng đồng nghĩa là tiền (và cả tiền tiết kiệm điện tử) có trong tài khoản nhiều khả năng sẽ bị kẻ xấu đánh cắp nhanh chóng. Thậm chí, chúng còn sử dụng các tài khoản chiếm được để mạo danh và tiếp tục lừa bạn bè của bạn.

Chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo, nếu đột nhiên số điện thoại của bạn không thể nhắn tin hay gọi điện được trong khi bạn biết chắc mình còn tiền trong tài khoản, email tự nhiên không thể truy cập dù bạn không quên mật khẩu, khả năng cao là bạn đã bị chiếm đoạt điện thoại hay email. Trường hợp này cần liên hệ ngay với nhà cung cấp dịch vụ để được hỗ trợ kiểm tra, xử lý kịp thời.

Nhiều ngân hàng đã liên tục cảnh báo về các chiêu lừa đảo phổ biến. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều ngân hàng, nỗ lực của mỗi phía ngân hàng là không đủ, chính mỗi người dùng cần phải tự nâng cao ý thức lẫn kiến thức để bảo vệ chính mình./.