Cán bộ, giáo viên, phụ huynh cùng tố cáo
Là người cùng viết đơn tập thể gửi đến báo Lao Động, bà P.T.B.T, phụ huynh có 2 con học bán trú tại trường Tiểu học Trưng Vương xác nhận, cũng đã gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện Thăng Bình để yêu cầu thanh tra, làm rõ nguyên nhân vì sao nhà trường cho học sinh bán trú nằm chiếu rách, cũ. Ngoài ra, số tiền nộp học bán trú dư ra thì hiệu trưởng mang chia cho giáo viên.
“Khi phụ huynh yêu cầu báo cáo rõ ràng, thì cô Lê Thị Yên trả lời, hiệu trưởng có quyền xử lí số tiền bán trú dư ra, chỉ khi thiếu tiền, cần huy động thêm từ phụ huynh mới cần báo cáo. Câu trả lời khiến phụ huynh bức xúc gửi đơn lên huyện yêu cầu làm rõ. Khi huyện về kiểm tra thì thông báo lại với phụ huynh là hồ sơ tài chính đã về 0 đồng”, bà T cho biết.
Còn ông Trần Văn Đức, bảo vệ trường Tiểu học Trưng Vương cho biết, từ năm 2018, ông Đức được Nhà nước hỗ trợ tiền trực đêm 1,3 triệu đồng/tháng, nhưng bà Lê Thị Yên, hiệu trưởng nhà trường bắt buộc bảo vệ (ngoài trực đêm) phải làm ngày 8 tiếng và làm thêm công việc tạp vụ như: Quét dọn sân trường, lau chùi công trình, phục vụ, bơm nước tưới cây… mới được nhận 1,3 triệu tiền trực đêm.
“Theo tôi được biết, ở các trường khác có chi tiền thuê tạp vụ và bảo vệ riêng, nên tôi không đồng ý thì bà Yên cắt tiền trực đêm năm 2018 của tôi, để lấy tiền thuê người tạp vụ. Đến năm 2019 mới chi trả tiền trực đêm theo quy định. Trong khi từ năm 2016 – 2017, 2019 – 2021 tôi cũng làm công việc tạp vụ nhưng không được trả tiền”, ông Đức bức xúc.
Theo giáo viên và phụ huynh trường Tiểu học Trưng Vương, một số khoản thu khác cũng cao hơn so với quy định, nhưng nhà trường không công khai tài chính thu, chi rõ ràng.
Kỉ luật hiệu trưởng
Phóng viên báo Lao Động trực tiếp trao đổi với bà Lê Thị Yên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương, bà Yên cho biết đã nắm việc này rất rõ.
“Vấn đề này đã âm ỉ hơn 1 năm rồi. Đã giải quyết đôi ba lần những chưa thỏa đáng giữa 2 bên nên cứ đơn từ qua lại. Hiện nay, huyện đang thành lập đoàn kiểm tra hồ sơ lưu trữ nhưng chưa có kết quả. Nên tôi từ chối trả lời và đợi kết luận từ thanh tra”, bà Yên nói.
Còn ông Lê Cao Lan, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thăng Bình cho biết, khi có thông tin thì Phòng Giáo dục đã thành lập đoàn về trường kiểm tra, xác minh sự việc làm báo cáo để gửi lên huyện.
Trước đó, ngày 8.4.2022, UBND huyện Thăng Bình đã có thông báo kết luận liên quan đến việc thu và sử dụng khoản phụ phí bán trú tại trường Tiểu học Trưng Vương.
Theo kết luận, trường Tiểu học Trưng Vương thu, chi thiếu chữ ký của người có liên quan hơn 180 triệu đồng, chi không đúng quy định với số tiền là hơn 30 triệu đồng. Có tình trạng sử dụng chữ ký giả trên một số phiếu thu, chi…
“Tại thời điểm kiểm tra cho thấy nhà trường đang sử dụng chiếu cũ, trong đó có một số chiếc hư hỏng. Đồng thời, có sử dụng một số bàn nhựa cũ dùng để dọn ăn cho học sinh bán trú, đã đầu tư mua sắm, sử dụng từ các năm học trước nên bị hư hỏng, bong tróc”, theo kết luận.
Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo nhà trường, trực tiếp là Hiệu trưởng, và những người có liên quan. Bà Lê Thị Yên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương nhận hình thức kỉ luật khiển trách.
Không đồng ý với quyết định kỉ luật bà Yên với hình thức khiển trách và cho rằng kết luận còn bỏ sót nhiều nội dung kiến nghị nên cán bộ, giáo viên, phụ huynh trường Tiểu học Trưng Vương tiếp tục gửi đơn thư đến cơ quan chức năng.
“Ngày 21.4.2023, huyện Thăng Bình tiếp tục cử đoàn kiểm tra về làm việc với trường Tiểu học Trưng Vương. Bên các thầy, cô có ý kiến với cô hiệu trưởng thì kiên quyết giữ quan điểm không muốn cô Yên làm hiệu trưởng nữa. Còn cô Yên cho biết, cô sai đến đâu thì các cấp xử đến đó, cô chấp hành thôi. Dự kiến trong tuần này, đoàn sẽ họp lại để thống nhất kết luận trình lên UBND huyện Thăng Bình”, ông Lê Cao Lan, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Thăng Bình cho hay
Theo Hoàng Bin - laodong.vn